Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Hiển thị các bài đăng có nhãn tournhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tournhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

HÒN TRE


Hòn Lớn là đảo lớn nhất còn gọi là Hòn Tre mặc dù trên đảo không có cây tre nào. Hòn Tre có bãi Trũ cát trắng mịn, nước trong xanh, nhiều người cho là bãi cát đẹp nhất Nha Trang vì nó vắng vẻ và mang nét hoang sơ. Bãi Rạn gần đó ngay bãi có một cái hang mang tên rùng rợn : “Hang Đầu Lâu”. Hang này được cánh thợ lặn sử dụng như một căn nhà để ăn uống, nghỉ ngơi, chỉ ghé được bãi Trũ vào mùa hè, gió mùa Đông Bắc sóng lớn, biển động thường xuyên.

HÒN MIỄU

Hòn Miễu chỉ cách bờ 7km hay còn gọi là Hồ Cá Trí Nguyên (đảo Bồng Nguyên) với diện tích khoảng 1,3km² được xây dựng năm 1971, do sáng kiến độc đáo của ông Lê Cẩn một dân cư Nha Trang. Ông đã ngăn biển xây đập dựng nên một hồ dài 160m, rộng 130m, chia làm 3 ô với hơn 40 loại cá : ô cá dữ, ô cá cảnh và ô cá ăn thịt. Ông đã đặt mua thêm cá, tôm, đồi mồi và nhiều loại sinh vật biển khác tạo nên một thế giới có hàng trăm loài. Hiện nay ở Hồ Cá Trí Nguyên được xây dựng thêm thủy cung dưới dạng chiếc tàu Titanic. Sau 1975 ông Lê Cẩn giao lại cho Công ty du lịch Khánh Hòa quản lý Hồ Cá Trí Nguyên. Trên đảo này có khá nhiều người dân sinh sống, nhiều bãi tắm đẹp thay vì bãi biển là cát thì đây chỉ toàn là sỏi.

CÂY DẦU ĐÔI


Cây Dầu Đôi tọa lc tại ngã 3 Thành, đường vào thành phNha Trang, đối diện thành cổ Diên Khánh ,bên cạnh Miếu thờ Trịnh Phong
Bí mật cây dầu đôi hơn 200 tuổi ở Nha Trang Khánh Hòa
Cách Nha Trang về hướng nam 11 cây số, trên đường 23/10 ngay ngã ba nối liền với Cải lộ tuyến đi hướng bắc có một cây dầu đôi cổ thụ. Cây bị cưa nhiều nhánh, trong tình trạng ra ít lá, cao 30m và cành xòe tán 15m. Đây là cây dầu đôi gắn liền với lịch sử tỉnh Khánh Hòa và cũng có nhiều truyền thuyết về nó.



Theo nhiều người thì cây dầu đôi (cây có hai nhánh từ gốc mọc lên) nằm trên con đường Thiên Lý kia là cây dầu lớn nhất trong cánh rừng đại ngàn ngày xưa ở khu vực Diên Khánh, Khánh Hòa này. Vào thế kỷ thứ 19, khi đó dân cư nơi này rất thưa thớt, con đường từ Nha Trang lên thành chỉ là con đường đất nhỏ, chủ yếu phục vụ cho xe ngựa và người đi bộ. Vì thế cánh rừng trên vẫn còn rất nhiều cây cối. Cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc mở con đường từ Nha Trang đi thành tiến hành và dân cư bắt đầu phát triển khi cánh rừng kia lần lượt biến thành khu dân cư và đồng ruộng. Cây dầu đôi khi ấy  nằm ở bên trong vệ đường, cành lá phát tán xum xuê tươi tốt được giữ lại như biểu trưng của một vùng đất.
Xác định niên đại của cây dầu đôi bằng khoa học thì chưa ai làm. Nhưng theo dẫn chứng của lịch sử thì vào năm 1793, thành Diên Khánh bắt đầu được xây dựng thì cây dầu đã có mặt. Chuyện tiếp theo là vào mùa xuân năm Quý Tỵ (1653)  chúa Nguyễn Phúc Tần ra lệnh cho cai cơ Hùng Ngọc Hầu tiến hành  mở mang bờ cõi từ đèo Cả vào đến bờ Bắc sông Phan Rang. Trong quá trình mơ cõi ấy,  khi đến Khánh Hòa, giữa cánh rừng, cây dầu đôi cao lớn khác thường nổi bật đã được giữ lại và ở lại cho đến bây giờ.
Cũng từ đó, cây dầu đôi được gắn liền với huyền thoại. Người ta cho rằng nguyên đây là cây dầu một nhánh, nhưng có một đêm mưa sấm chớp đã đánh trúng cây dầu khiến chúng tẻ thành hai nhánh như bây giờ. Tuy nhiên, nhiều lần đến cây dầu đôi quan sát chúng tôi nhận thấy cây dầu lớn lên tự nhiên, đây là cây dầu có hai nhánh chẻ ra tự nhiên chứ không hề có tác động từ bên ngoài.
Với tầm mắt nhìn, người ta có thể nhìn thấy cây dầu đôi này từ rất xa, khi nhìn thấy cây dầu đôi ta cảm giác như khi đi xa ta được trở về nhà. Nhờ bóng mát của cây dầu đôi, bao quanh nơi này trở thành một khu buôn bán hàng ăn sầm uất. Cây dầu đôi còn là một điểm tham quan của du khách trước khi đến thành cổ hay thăm các ngôi chùa cổ trong vùng. Đối với người dân quanh vùng, cây dầu đôi rất linh thiêng, cho nên họ đặt am thờ dưới gốc, khấn bái cầu nguyện. Đặc biệt, trên thân cây, ở độ tầm cao  hơn một mét có nốt bứu cây. Trên cây dầu có nhiều cây tầm gửi sống bám.
Câu chuyện Trịnh Phong 
Câu chuyện cây dầu đôi còn gắn liền với vị chiến sĩ yêu nước chống Pháp. Đó là Trịnh Phong. Bên cạnh cây dầu đôi có Miếu Trịnh Phong.
Miếu Trịnh Phong không to, bị nhiều hộ dân chen lấn nên rất chật chội, đã liên tiếp nhiều lần trùng tu. Miếu được xây dựng vào thập niên 90 của thế kỷ 14. Cửa miếu thay vì xoay ra con lộ lại xoay về hướng Bắc. Lúc đầu miếu thờ thần, cho đến sau khi xử chém Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, Pháp treo đầu ông lên cây dầu đôi để thị uy, người dân đã đổi thành Miếu Trịnh Phong và thờ cúng ông. Miếu thờ Trịnh Phong cùng cây dầu đôi đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Hiện miếu  còn lưu hai đạo sắc của các vua Thành Thái và Khải Định phong tặng.  Mỗi năm, vào ngày 16/3 (Âm lịch), tại Miếu đã làm lễ cúng trọng thể tưởng nhớ đến vị anh hùng.
Trịnh Phong quê ở  Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Khi vua  Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương (tháng 8-1885) thì ông đang là một vị quan của triều đình đóng ở thành Diên Khánh. Ông đã chiêu binh chống PHáp dưới ngọn cờ “Bình Tây đại tướng” và đã quy tụ được nhiều nhân tài.
Đầu tháng 8-1886,  Pháp do đại úy Lhermitte chỉ huy với các loại vũ khí hạng nặng như sơn pháo 80, đội quân đánh thuê hơn 300 tên, bằng đường bộ và đường thủy tiến ra đánh Khánh Hòa nhằm tiêu diệt lực lượng yêu nước. Sau khi thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong đã  rút binh lên núi Hèo tiếp tục kháng chiến. Nhưng lực lượng ngày càng yếu, cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong bị Pháp bắt, xử trảm ông tại Hòn Khói (11-9-1886). Phần mộ của Trịnh Phong được đặt ngay trong khuôn viên của dòng họ tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang.
 Bao cuộc bể dâu
Trải qua bao cuộc bể dâu như người xưa nói “Tang điền biến vi thương hải”  là không có gì vĩnh cữu với thời gian. Cây dầu đôi còn sót lại giữa cánh rừng đại ngàn kia mặc bao nhiêu biến cố.
Nhớ vào năm 2000, khi con đường 23/10 từ Nha Trang đi thành mở rộng cho sáu làn xe, Cây dầu đôi bị nằm trong khu vực phải “di dời” để mở đường. Số phận của cây dầu lịch sử được đem ra bàn cãi, rốt cuộc là quyết định giữ cây lại, còn con đường có cong veo một tí không sao. Vì thế, khi đi ngang cây dầu đôi như hiện nay, ta thấy cây dâu nằm ở  bên vệ đường, có kè chắn lại, bao quanh là con đường nhựa với khối nhựa nóng hàng ngày hút ánh nắng mặt trời làm cho rễ cây oằn mình gánh chịu.
Sau cuộc mở đường, Khánh Hòa tổ chức kỷ niệm 350 năm (2003) thì cây dầu đôi mỗi ngày mỗi xuất hiện những cành khô, tỉnh giao cho công ty Môi trường Đô thị tỉnh ra phương pháp cứu chữa. Vào thời thời điểm này, kinh phí 30 triệu đồng để “trị bệnh” cho cây dầu đôi cổ thụ là khoảng tiền lớn. Cách chữa trị là khoan những hố quanh cây dầu, bơm các chất kích thích phát triển rễ để tránh rễ cây bị chết do ảnh hưởng sức nóng từ lớp bê tông nhựa và phục hồi lại số rễ đã bị chặt đi trong quá trình mở đường và đào đất để đặt cáp ngầm, dây điện. Riêng phần thân cây, cũng dùng thuốc để bảo vệ cây bị sâu bọ đục phá, cưa lại các nhánh cây cưa sai phương pháp, dùng hóa chất bôi lên những “vết thương” của cây để tránh bị thối rữa do đọng nước mưa. Bơm các hóa chất kích thích lên các tán cây để phát triển hệ thống lá của cây dầu đôi.




Điều buồn cười là cũng vào thời điểm trên. Do lo sợ cây dầu đôi bị chết, công ty Môi trường Đô thị đã tìm một cây dầu đôi con trồng dự phòng cách cây dầu đôi lịch sử khoảng 15m. Tuy nhiên, do nhiều ý kiến phản đối, sau đó cây dầu đôi… ăn theo này đã bị nhổ bỏ.
Giờ đây, qua bao thăng trầm của cuộc sống, dẫu không còn xum xuê cành lá như thời trai tráng, cây dầu đôi già hơn 200 tuổi vẫn vươn xanh, nổi bật giữa trời trên con đường cửa ngõ từ phía Nam vào Nha Trang.

ST: Lê Văn Hải

HÒN TẰM


Hòn Tằm nằm ở phía Nam vịnh Nha Trang thuộc thành pho Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hòn Tằm là một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nơi đây vẫn còn lưu lại vẻ hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh mướt, bờ cát dài lãng mạn.
Hòn Tằm là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Bàn tay con người đã làm cho vẻ đẹp hoang sơ ấy càng trở nên hấp dẫn hơn.
Có một con đường nhỏ bao quanh đảo, giúp cho du khách thích đi dạo sẽ có dịp ngắm nhìn trời mây non nước... Những chòi lá e lệ nằm dọc bờ cát trắng mịn cùng những tòa nhà thấp thoáng trong rặng cây khiến du khách vô cùng thích thú, và mong muốn được ngả mình nghỉ ngơi dưới bóng mát của những chòi lá ấy. Và trong làn nước biển trong xanh, khách có thể ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng, gần đến nỗi tưởng như chỉ đưa tay xuống nước là có thể bắt được.
Đến hòn Tằm, du khách được lặn thám hiểm biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn Tằm từ trên cao trên những chiếc dù bay hoặc có thể đua tốc độ cùng với những con sóng trên chiếc Jestki...có thể chơi bóng chuyền bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi...hoặc nằm dài trên những chiếc ghế ngắm mây trời và sóng biển. Sẽ chẳng có gì thú vị hơn khi được ngả người trên bãi cát ngắm hoàng hôn đỏ rực ráng chiều trên đảo mãi đến khi chúng chìm vào bóng tối.
Hơn thế nữa, hòn Tằm đã có những dịch vụ chuyên nghiệp và cao cấp, những phòng ngủ sang trọng có truyền hình vệ tinh, điện thoại. Phòng hội nghị có thể tổ chức được các cuộc họp khoảng 100 khách. Những trò chơi mới lạ, hấp dẫn luôn được khám phá, tìm tòi để đổi mới và đổi mới liên tục, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Ở hòn Tằm có dịch vụ lửa trại dành cho du khách muốn nghỉ đêm trên đảo. Khu dã ngoại này có 200 chiếc lều rực rỡ xinh xắn. Tham gia đêm lửa trại, du khách sẽ được uống rượu cần, ăn đồ nướng, và hát hò suốt đêm.

THÀNH CỔ DIÊN KHÁNH

Nằm cách Nha Trang 10 km. Năm 1663 chúa Nguyễn Phúc Tần đem quân đi đánh Chiêm Thành chiếm đất Kathana lập nên dinh Thái Khang, nhận thấy vùng này liền núi, cạnh sông nên chúa Nguyễn cho thiết lập đồn lũy để tăng cường phòng thủ. 1690 dinh Thái Khang được đổi thành dinh Bình Khang. 1742 đổi thành phủ Diên Ninh. 1775 quân Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn chiếm thành Diên Khánh. 1793 Nguyễn Huệ mất nhà Tây Sơn yếu dần. Nguyễn Anh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh, thấy nơi đây là địa Bàn chiến lược quan trọng lâu dài. Nguyễn Anh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự từ xa.

Thành Diên Khánh là quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, 1 hình mẫu thành quân sự phổ biểnvào thế 17, 18 ở Tây Âu. Thành chiếm diện tích khoảng 36.000 m2. Tường thành hình lục giác nhưng không đều nhau dài 2.693 đắp bằng đất. Trên mỗi cạnh tường thành chia thành nhiều cạnh nhỏ, uốn lượn, nên các góc thành không nhô ra mà vẫn đảm bảo quan sát được 2 bên. Tường thành cao khoảng 3,5 m. mặt ngoài tường thành gần như dựng đứng, mặt trong có độ thoải và được đắp thành 2 bậc tạc đường vận chuyển thuận lợi ven thành. Bên thành có hào nước sâu từ 3 – 5 m bao quanh. Khi xây dựng thành xong, thành Diên Khánh có 6 cửa ở 6 cạnh tường thành, nay chỉ còn lại 4 cửa: Đông – Tây – Tiền – Hậu. Năm 1823 cửa Hữu và Tả đã bị lấp tới nay không còn dấu vết gì. Nay chỉ còn 2 cổng Đông – Tây gần như nguyên vẹn. Theo tư liệu cũ trong thành có nhiều kiến trúc độc đáo như hoàng cung, cột cờ, dinh tuần vũ, dinh án sát, nhà kho. Khi xây dựng xong thành Diên Khánh do hoàng tử Cảnh và Bà Đa Lộc chỉ huy trấn giữ. Vào năm 1885 – 1886 thành Diên Khánh từng là tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương do Thịnh Phong chỉ huy và là cơ sở cách mạng 1945.
  Hiện nay thành Diên Khánh được nhà nước công nhận là di tích lịch sử.

NHA TRANG XƯA


Quận Ninh Hòa nằm trong tỉnh Khánh Hòa, có tỉnh lỵ đặt tại thị xã Nha Trang. Tổng số diện tích quận Ninh Hòa khoảng chừng 1.196 cây số vuông (km2); phía Bắc giáp Vạn Giã (thuộc quận Vạn Ninh), phía Nam giáp Nha Trang, phía Tây giáp tỉnh Đắc Lắc, và phía Đông giáp biển Đông Hải. Dãy Trường Sơn có núi non hiểm trở ở về phía Tây quận Ninh Hòa, còn phía Đông có quốc lộ số 1 chạy dọc bờ biển.
Từ quận Ninh Hòa ra Vạn Giã đường bộ độ 27 cây số (ra Huế 594 cây số), vô Nha Trang độ 32 cây số (vô Sài Gòn 475 cây số), lên Buôn Mê Thuột độ 162 cây số. Ðường sắt song song với quốc lộ số 1 là hai trục lộ giao thông chính nối liền Nam-Bắc xuyên qua Sài Gòn, Nha Trang, Ninh Hòa, Huế ... Còn quốc lộ số 21 (nay đổi là 26) bắt đầu từ ngã ba Ninh Hòa (có cái bùng binh tại đây xây trước năm 1975) gần sân vận động cũ, cũng không kém phần quan trọng nối liền Ninh Hòa với các tỉnh cao nguyên đất đỏ xuyên qua Dục Mỹ, Khánh Dương và Buôn Mê Thuột.
Dân số Ninh Hòa ước lượng khoảng trên 200 ngàn người với mật độ trung bình gần 200 người trên mỗi cây số vuông. Dân cư Ninh Hòa đa số làm nghề nông ở các miền đồng bằng, làm nghề đánh cá ở ven biển; riêng nghề làm gạch gói ở Ninh Xuân (Giếng Bọng) và làm muối thì ở Hòn Khói.
Trước năm 1975, một số tiểu công nghệ đặc thù "cha truyền con nối" như làm nghề bánh tráng, bún, bánh nậm, bánh ít, bánh xèo, bánh căn, bánh dây, bánh hỏi, chả, nem, thợ rèn, làm vôi v.v.. hầu hết tập trung ở Xóm Rượu. Đặc biệt, chả và nem ở đây rất nổi tiếng cả nước không đâu bằng. Một thiểu số sống ở những triền núi như Phong Thạnh, Phú Hữu, hòn Hèo, hòn Sầm v.v… làm nghề trồng trọt và đốn cây bán làm củi. Một số ít người Thượng sắc tộc Rhadé (quen gọi là Đê) từ vùng cao nguyên xuống chợ sinh hoạt hàng ngày trong việc đổi chác thịt thú rừng, vải vóc, hoa quả như đậu xanh, dưa hấu, bí đỏ…
Người Hoa tập trung sinh sống dọc hai bên đường Trần Quý Cáp từ đường lên ga cho đến cầu Dinh, nhưng nhiều nhất phải kể khu vực quanh chợ Dinh (xem bài viết của Dương Tấn Long "Sông Dinh Qua Thi Ca - Phần 8"). Hầu hết, họ sống bằng nghề thương mại và đã cùng một thiểu số người Việt làm chủ những tiệm buôn đồ sộ làm tăng thêm phần sầm uất cho phố chợ Ninh Hòa, chẳng hạn như:
   Tiệm tạp hóa: Nam Thuận Lợi, Ba Ta, Tân Sanh, Phú Càn Ích, Lý Du Hòa, A A, Hương Giang, Hưng Ký, Thuận Lợi...
   Tiệm thuốc Bắc: Lợi Phát, Gia Phát, Hàng Vạn Tường, Nguyên Phát, Khâu Thiên Bồi, Phổ Tế Ðường, Ninh Hòa, Vĩnh An Hòa, Phước Vũ, Hàn Phương Viên..
   Tiệm thuốc Tây: Bình Minh, Ninh Hòa, Ngọc Việt, Tấn Đắc...
   Tiệm xây dựng kiến thiết: Cẩm Sanh, Liên Thành, La Lợi...
   Tiệm phụ tùng xe: Ðông Thành, Tiến Mỹ, Hòa Lợi...
   Tiệm sách: Trung Thành, Vừng Ðông, Khai Trí, Văn Hóa, Khai Ðức...
   Tiệm vải: Ðồng Thái, Ðỗ Trân Ký, Ích Thành, Hiệp Thành, ...
   Tiệm chụp hình: Ánh Hưng, Vừng Ðông, Mỹ Quang, ...
   Tiệm bánh kẹo: Lợi Hanh, Dân Dân, ....
   Tiệm vàng: Hoa Phát, Kim Thành, Liên Kim...
   Tiệm may: Trường Ðôn, Thời Trang, Mỹ Trang ...
   Tiệm giày: Trúc Thọ, ...
   Tiệm bán và sửa đồng hồ: Kim Quang,...
   Tiệm nhang: Vạn Lợi, ...
   Tiệm nem: Thái Thị Trực, ...
   Tiệm hủ tiếu, mì, bánh bao: Ðại A, Tự Nhiên (ông Tù)
   Tiệm bán guốc: cô Hường (trong lòng chợ), chị Diệp...
   Tiệm gạo: Châu Nam Hòa, bà Tám ...
   Ðại lý thuốc lá: Cẩm Hưng, ...
Một số tiệm đáng được ghi nhận nằm trước sân vận động cũ , phục vụ các phương tiện chuyển vận và giải khát như:
Tiệm hàn, điện, sửa xe vá các loại lốp xe hơi: Hòa Hưng, Nguyễn Ánh, Nguyễn Quang, Ðức Lượng,...
Tiệm kem: Thiên Hương,...
Ninh Hòa có tất cả 3 đèo: 
   đèo Cạnh (hay đèo núi Đeo) tại cây số 10 (Ninh Xuân) trên Quốc lộ 21,
   đèo Rọ Tượng nằm ở phía nam và
   đèo Bánh Ít ở phía bắc,
và một con sông, sông Dinh. Sông Dinh rộng lớn và dài khoảng 10 cây số, do 3 sông con bên dưới đây xuôi về gặp nhau tại cuối làng Ðiềm Tịnh, có địa danh là: "Họng Ngã Ba".
(1) Sông Lốt bắt nguồn từ Ðá Bàn.  Thượng nguồn có lòng hồ Ðá Bàn rộng mênh mông, nước trong vắt, chảy xuống các xã Ninh Phụng, Ninh Ðông.
(2) Sông Ðục (còn gọi là sông Ðá) hẹp hơn có nước đục quanh năm, chảy qua các xã Ninh Thượng, Ninh Thân, Ninh Phụng.
(3) Sông Cái chảy qua các xã Ninh Sim, Dục Mỹ, Ninh Xuân, Ninh Bình, Bình Thành xuyên dưới cầu Bến Gành ở cây số 2 (quốc lộ số 21).  Thượng nguồn có lòng hồ Suối Trầu, rộng mênh mông.  Về mùa mưa, nước sông Cái thường đỏ ngầu.
Từ "Họng Ngã Ba", sông Dinh tiếp tục chảy qua cầu Sắt ở Vĩnh Phú, và cầu Dinh (trên có quốc lộ số 1 cũ) rồi chảy thẳng đến Tiên Du ra cửa biển Hà Liên, có làng Lệ Cam và Tân Tế quanh chân Hòn Hèo. 
Dân Ninh Hòa hồi ấy, hầu hết ai cũng biết rõ những nơi rất quen thuộc dọc dài theo sông Dinh như bến ông Đùm, bến bà Lép, lỗ lỡ gần nhà Thờ, đập Chợ Nhỏ thuộc xã Ninh Giang, đập Bờ Trang thuộc xã Ninh Phú v.v…
Vì nước lơ lớ mặn mà dân bản xứ thường gọi là nước "xả hai, sà hai" gần cửa biển, nên tại đây sông Dinh có đầy dẫy các loài cá như cá đỏ mang, cá trèn, cá trạch, cá hồng,.. nhưng đáng kể hơn hết là chình, một đặc sản “độc nhất vô nhị" của Ninh Hòa. Một chi nhánh rẽ ra từ sông Dinh phía trên đầu chợ chảy qua xóm lò heo, cầu Gỗ rồi cầu Trạm tạo ra nhiều mương, ao và bầu có rất nhiều lươn, cá rô, cá sặc, cá lòng tong, cá trê, cá trầu (lóc) và đặc biệt giúp ích cho nghề nông tát nước vào ruộng lúa.
Biển Hòn Khói và Hà Liên có nhiều loại cá ngon như cá thu, cá bò, cá cờ, cá lạc, cá cơm, cá lá, cá đối, cá măng, cá bóng mú, cá đuối, cá ngân, cá bạc má, cá chù, cá liệt, cá nhồng, cá trích, cá nục....và nhiều hải sản đặc biệt khác như tôm hùm, tôm tích, tôm thẻ, hải sâm, sò huyết, ốc gạo, ốc xúc, rau câu, v..v...
Trước năm 1975, Ninh Hòa có tất cả 3 trường trung học nổi tiếng: Trung học Công lập Trần Bình Trọng, Trung học Bán công Ninh Hòa và Trung học Công giáo Đức Linh. Ngoài ra cũng có một số trường trung học khác nhưng ít được giới học trò nhắc nhở tới chẵng hạn như Trung học Đức Quang gần kho thuốc lá, Trung học Bồ Đề trong khuôn viên chùa Phật Học và trường Tàu. Các trường tiểu học ở Ninh Hòa đào tạo những học sinh xuất sắc trong thời gian ấy phải kể đến trường Tiểu học Tư thục Đức Trí ở dốc Quán Xóm Rượu, trường Tiểu học Công lập Ninh Hòa (hay gọi Pháp Việt) đối diện bến xe Ninh Hòa (còn gọi bến xe ngoài), trường Tiểu học Công lập Mỹ Hiệp tọa lạc ở Xóm Mới v.v…
Dân Ninh Hòa đa số theo đạo Phật và đạo thờ cúng ông bà, một số khác theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành và một số nhỏ theo đạo Cao Đài.
Đình Mỹ Hiệp ở Thị trấn Ninh Hòa, tiêu biểu kiến trúc truyền thống cổ với nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc mỹ thuật, lớn và linh thiêng tọa lạc sát Quốc lộ 1 gần kho thuốc lá (quen gọi là Bataillon – deuxième bureau từ thời Pháp). Có rất nhiều chùa như chùa Cát (còn gọi là Trường Thọ) ở gần Gò Muồng, chùa Bửu Long trên cổng xe lửa ở Bình Thành, chùa Minh Hương ở cầu Gỗ; miễu như miễu ấp trong (miễu ấp Đông Thành) gần gò Lăng, miễu ấp ngoài (miễu ấp Bắc Hiệp), miễu Tây Tụ ở cầu Gỗ v.v… Riêng người Hoa có hai chùa chánh: chùa Hải Nam (chùa Tàu ở Vĩnh Phú) và chùa Hội Quán (chùa Quảng Ðông) ở thành Chùa sát đường Nguyễn Trường Tộ, ngõ lên chợ từ Gò Muồng, Xóm Rượu và chùa Tiều sát bên cầu Dinh.
Chùa lớn nhất là chùa Phật Học ở Vĩnh Phú, nhà thờ công giáo cổ nhất được người Pháp xây cất và tọa lạc một nơi vắng vẻ ở gò Muồng, còn nhà thờ hiện đại xây trên đường Nguyễn Huệ đối diện trường Trung học Bán công Ninh Hòa, và sau cùng là nhà thờ đạo Tin Lành nằm trước mặt kho thuốc lá. Riêng nhà thờ đạo Cao Ðài tọa lạc tại Dục Mỹ, cách Ninh Hòa khoảng 14 cây số.
Thắng cảnh đẹp nhất Ninh Hòa trong đó phải nói đến bãi tắm Dốc Lết, động cát Bá Hà, lâu đài tình ái Hòn Khói, suối Ba Hồ, hồ chứa nước Ðá Bàn, Trường Bơi, suối nước nóng Dục Mỹ, v.v…Có rừng núi xung quanh suối tạo nên phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng. Nổi tiếng nhất là núi Hòn Vọng Phu cao 2051m nằm về hướng Tây Bắc và tháp Bửu Dương có 7 tầng tọa lạc tại thôn Ðiềm Tịnh, xã Ninh Phụng.  Lăng Bà Vú là một di tích lịch sử do vua Gia Long xây, để nhớ ơn công nuôi của bà khi nhà vua tìm đường ẩn náu tại địa phận Ninh Hòa.
Vì cận biển nên độ ẩm tương đối cao, thường nóng nực và hạn hán về mùa hè,  và vì lụt lội luôn xảy ra vào tháng 10 đến tháng 11 nên rét mướt kéo về những ngày cuối năm.
Sau Tết, các loại cây ăn trái như đào, mận, lựu, thanh long, xoài …, các loại hột như hột đác, hột xay, hột đười ươi vô số được bày bán ở chợ. Có nem lùi, nem nướng, nem chua của Thái Thị Trực và chả ram của bà Lột ngon tuyệt vời, đặc biệt có bánh xèo bà Chói, bà Lượng, bánh căn bà Ðức, mắm ruột cá bò kho với mỡ ăn với bánh ướt, trái quít dẻo hòn Sầm nấu xôi, bông nghễ hái tận hòn Hèo chấm mắm ốc suốt (xúc) Hà Liên là những đặc sản trứ danh của riêng Ninh Hòa mà đã ăn rồi thì không khi nào quên được!

CHÙA TỪ VÂN

Qua khỏi cầu Mỹ Thanh hiện xe chúng ta đang thuộc tỉnh Khánh Hoà,xã đầu tiên là xã Cam Thịnh Đông .Khi đến thị trấn Ba Ngòi ,huyện Cam Ranh ngay ngã ba bưu điện  chúng ta sẽ rẽ phải rồi rẽ trái theo đường ¾ là đến nơi .Chùa Từ Vân là  một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ,toàn bộ ngôi chùa được trang trí bằng vỏ hải sản như ốc ,sò,san hô …. Khi vào chùa quý khách có thể tận mắt trông thấy công trình độc đáo đó .Ngoài ra bên cạnh chùa còn có vườn địa đàng  một hệ thống tầng hầm địa ngục sâu dưới lòng đất theo hình xoắn ốc .
Đây là một công trình mà theo triết lý nhà Phật –thuyết nhân quả,muốn dạy người đời sống lương thiện không gây điều ác. Khi sống trên trần gian làm nhiều điều không phải sẽ bị đoạ vào 1 trong 18 tầng địa ngục ,vào đây quý khách có cảm giác bị mất phương hướng và sợ sệt vì trong này rất tối ,ẩm thấp chỉ vừa một người đi .Bên trong mỗi tầng địa ngục được mô tả những hình phạt bằng hình vẽ .Bây giờ xin mời quý khách vào tham quan 45 phút ,sau đó xin mời tất cả ra xe chúng ta tiếp tục chuyến đi về TP.HỒ CHÍ MINH.

VỊNH CAM RANH

Đoạn quốc lộ 1 Nha Trang – Cam Ranh dài 60 km là 1 trong những đoạn đường nhựa tốt nhất của đường thiên lý Bắc Nam.
             Vịnh Cam Ranh là một trong những quân cảng của Khánh Hòa. Hải cảng quân sự Cam Ranh tốt vào hàng thứ 2 trên thế giới sau hải cảng Sidney ( Úc ). Vịnh được khép kín bởi bán đảo Cam Ranh từ phía Bắc chạy phủ kín cả phía Đông, Tây và Nam. Vịnh là đất liền, chỉ mở ra ở cửa lớn về phía Nam – Đông Nam có 3 km. Diện tích Vịnh ước chừng 10.000 ha. Sâu từ 10 – 25m chổ rộng nhất ăn sâu vào đất liền khoảng 6 km, chiều dài độ 15 km.
             Ngoài giá trị quân sự,  vịnh còn rất quan trọng đối với ngành hải vận Đông Nam Á, vì nó nằm trên đường hải vận đi Singapore, Hương Cảng, Thượng Hải, Yokohama. Trên bán đảo Cam Ranh còn có ưu thế thiên nhiên rất lớn đó là  trữ lượng nước ngọt trong lòng đất. Mặc dù ba bên là biển bao bọc, nhưng đều có nước ngọt với lưu lượng lớn, và rất ít khi bị nhiễm mặn. Khi đến vịnh vào mùa xuân ta sẽ nhìn thấy những rừng mai vàng bạc ngàn, những rừng dừa Cam Thịnh với nước dừa hương vị đậm đà.
             Năm 1905 Nga Hoàng phái hạm đội Ban Tích do đô đốc Rogieti chỉ huy sang thay thế hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Nga bị hải quân Nhật Hoàng đánh bại ở cửa biển Lữ Thuận. Khi đến biển Đông thì gặp bão lớn, cả hạm đội bao gồm 45 chiếc đã vào vịnh Cam Ranh an toàn mấy tháng trời.
             Trong thời kỳ Mỹ, đã đưa Cam Ranh thành 1 cụm quân sự khổng lồ. 1955 đơn vị đầu tiên quân đội Mỹ đổ bộ cảng. Tại cảng Mỹ tập trung đầy đủ các loại máy bay hiện đại nhất có sân bay phản lựa và vận tải loại lớn, nhiều kho nhiên liệu, kho đạn, xưởng sửa chửa, hệ thống ra đa hiện đại, một hệ thống thông tin liên lạc bằng cáp ngầm xuyên đại dương liên lạc trực tiếp với Thái Lan, Philipine và Mỹ.
             Qua khỏi vịnh Cam Ranh ta sẽ thấy xuất hiện dãy núi cát trắng xóa dài hơn 10 km, trên diện tích khoảng 7 km2. Khu vực này có tên là Thủy Triều nên các ở đây được gọi là cát trắng thủy triều, 1 nguồn khoáng sản có giá trị của Khánh Hòa.
      Theo phân tích của các kỷ sư ngành thủy tinh thì cát trắng Thủy Triều tốt vào hàng bậc nhất trên thế giới, chứa hàm lượng thủy tinh rất cao 98%. 1935, Pháp bắt đầu cho công ty SIFA khai thác. Cuộc khai thác này kéo dài đến 1939, thế chiến nổ ra mới dừng lại. Đến 1941, Sở Hỏa Xa Đông Dương mới tiếp tục khai thác, và đến năm 1945, Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ việc này bị giải thể việc khai thác ngừng lại. Mãi đến 1953 nó mới được khai thác trở lại cho đến năm 1975. Nhưng trong thời gian ấy thường bị gián đoạn & khối lượng cao nhất cũng chỉ có đến 100.000 tấn/ năm. Từ năm 1975 đến nay cát trắng Thủy Triều được khai thác xuất khẩu và đưa thành phố phục vụ cho công nghiệp thủy tinh. Trước năm 1975, cát này được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật và rất được các công ty của Nhật ưa chuộng. Có nhiều cát trắng dùng làm thủy tinh, đoạn này thấy xuất hiện dãy núi cát trắng dài hơn 10 km trên một diện tích khoảng 7 km2, trữ lượng hơn 100 triệu tấn. Khu vực này có tên gọi là Thủy Triều nên gọi là cát trắng Thủy Triều, nguồn khoáng sản có giá trị của tỉnh Khánh Hòa.

HÒN CHỒNG

Thắng cảnh Hòn Chồng rất độc đáo nằm ngay trên địa phận của Thành phố Nha Trang. Xe chúng ta sẽ theo con đường vào trường Đại Học Thủy Sản qua nhà nghỉ của Liên Đoàn Lao Động Khánh Hòa.
Hòn Chồng là một bán đảo xinh xắn tròn trịa, hơi trần trụi, song rất nổi tiếng, bởi đó là một quần thể các khối đá hoa cương lớn nhỏ, đa hình, đa dạng xếp chồng lên nhau hoặc chen chúc, hoặc chênh vênh tưởng chừng như được bàn tay tạo hóa xếp đặt. Chúng chia làm 2 nhóm: nhóm đá phía Bắc nửa chìm nửa nổi thường được gọi là Hòn Chồng, nhóm nhỏ hơn nằm ở chân đồi phía đông gọi là Hòn Vợ.
Về cấu trúc địa chất, đó chỉ là phần xuất lộ đá hoa cương gốc, phần rìa của một phức hệ đá xâm nhập có tên là Đèo Cả, tạo thành cuối Cainozoi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tác nhân, quá trình phong hóa và bào mòn của biển (ánh nắng mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm, không khí, nước mưa, sóng và gió biển...) đã bị nứt ra và vỡ thành khối theo các khe nứt nguyên sinh và thứ sinh, biến chất và vỡ vụn phần mềm vữa bị vữa trôi. Những khối đá tảng với độ bền cao hơn thì trơ ra được sóng biển bào mòn thành tròn trịa đứng vững trước thiên nhiên và biển cả bao la dữ dội mà đối với chúng ta “lành ít, dữ nhiều” với đủ mọi hình dạng và kích thước, cũng như thế đứng, thế nằm. Đây không phải là loại đá lăn từ trên núi như truyền thuyết.
Đến với Hòn Chồng quý khách sẽ nhận thấy thật thích thú vì như đang đứng trước một trò chơi thiên nhiên kỳ lạ. Khối đá vuông vức này cứ như được ném xuống từ trên trời, bị kẹp chặt giữa 2 khối đá khác, vô hình tạo nên một chiếc cổng đá tự như một cổng thành cổ xưa làm thành một lối đi rộng rãi cho du khách lên xuống nhóm đá Hòn Chồng. Những tảng đá to lớn cồng kềnh kia trớ trêu thay lại được xếp một cách chênh vênh và mạo hiểm trên những phiến đá nhỏ hơn nhiều lần, khiến cho quý khách nếu ai yếu bóng vía sẽ không dám lại gần. Và kia nữa trên đỉnh núi cao nhất của Hòn Chồng đứng chênh vênh một mình là khối đá khổng lồ, bạn sẽ thấy in lồ lộ một dấu ấn bàn tay khổng lồ, có đủ cả 5 ngón, in rất sâu vào mặt đông của khối đá. Bàn tay này làm ta liên tưởng đến một quá khứ xa xăm của Trái đất, khi mà trái đất này còn tồn tại những sinh vật khổng lồ.
Một giải thích dân gian kể về bàn tay khổng lồ này. Vào một thời vì thấy trần gian đầy hoa thơm cỏ lạ, phong cảnh hữu tình, các Tiên của trời cũng thường kéo xuống để kiếm thú vui tiêu khiển và thường tắm mát ở Suối Tiên. Các Tiên Ông thì giỡ cờ tiên, xếp những bàn cờ vẽ sẵn trên những phiến đá vuông vức phẳng lì. Các Tiên Bà, Tiên Cô vứt bỏ xiêm áo trên bờ nhào xuống suối tiên thích thú vùng vẫy, đùa cợt làm âm vang cả một vùng. Một chàng khổng lồ cũng từ xa đến trên đường tìm thú vui, điều lạ thì vô tình lọt vào động tiên trần này. Kinh ngạc trước cảnh “ngàn năm chỉ thấy một lần” này, chàng khổng lồ say sưa ngắm nhìn, vô tình bị trượt chân vấp ngã, vội vàng bám vào những mô đá bên sườn núi. Sườn đá không chịu nổi sức mạnh của chàng khổng lồ, lở và đổ ào ào xuống, văng xa tận cửa biển tạo nên Hòn Chồng ngày nay. Khối đá lúc chàng bíu vào còn in hằng cả bàn tay, đá tung lên trời, hòn sau đứng kẹt giữa 2 hòn trước mới tạo nên “cổng thành cổ” ấy và cũng chính vì vậy mà có những tảng đá xếp lớp nằm chênh vênh trên những tảng đá nhỏ, hay được đặt nghiêng như cái bẫy đá chẳng biết lúc nào mà sụp xuống.
Còn có một truyền thuyết nữa : một chiếc thuyền của đôi vợ chồng ngư dân trẻ bị sóng to, gió lớn đánh trôi dạt vào cửa biển này. Vốn trước kia còn là những vách đá, vỡ tan tành, sóng cuốn trôi người vợ ra xa, người chồng vội lao theo kéo vào. Song cứ mỗi lần kéo vào gần được bờ, sóng lại tung bọt trắng xóa, nổi cao hàng chục mét đánh bật người vợ trở lại như quyết chí cướp đi một sinh linh cho biển cả. Lần cuối cùng, người chồng một tay dìu được vợ, một tay bám vào vách đá.
Nhưng đáng thương thay, vách đá vốn chênh vênh muốn đổ nay thêm sức nặng từ bàn tay người chồng nên đổ ào xuống biển, nhấn chìm luôn cả đôi vợ chồng bất hạnh nọ. Người chết song vẫn in đậm dấu ấn thủy chung của bàn tay người chồng còn hằn trên đá giữ mãi với thời gian. Nhìn ra xa một chút du khách sẽ thấy những hòn đảo nhỏ nhấp nhô, nửa chìm nửa nổi, người ta bảo đó là cánh buồm của đôi vợ chồng thương tâm nọ.


Đứng trên Hòn Chồng, nhìn về phía Bắc, du khách sẽ thấy ngay trước mặt là  một dãy núi chạy dọc theo hướng Đông – Tây, với nhiều đỉnh khác nhau, đó là núi Cô Tiên. Gọi như vậy vì đường viền của các đỉnh núi tạo nên một hình tượng người con gái nằm ngửa mặt lên trời, tóc xỏa dài tới chấm nước biển Đông, một chân co cao, một chân duỗi dài về hướng Tây. Mái tóc, vầng trán, khuôn mặt bầu bĩnh, lồng ngực thanh xuân nhô cao đầy sức sống, đầu gối co cao, tròn lẵng, một tư thế nằm bất động trầm tư... thật là một kiệt tác của tạo hóa khiến cho du khách cảm thấy thú vị, cảm xúc trìu mến, lưu luyến.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Đặc sản Nha Trang

Gà "chỉ" Cam Ranh-nét đặc trưng ẩm thực mới cho dân sành ăn

Cũng giống như cái tên quán " chè hé" ở đường 3/2 Đà Lạt- nghĩa là cái quán này bán chè cánh cửa lúc nào cũng mở he hé, không đưa bảng hiệu thành ra 1 cái tên chết của quán luôn.
Gà "chỉ" Cam Ranh, nghĩa là khách đến quán bước ra vườn tự tay chọn lựa gà. Khách chỉ con nào, chủ quán bắt con ấy. Muốn chế biến món gì, chủ quán sẽ làm. Nếu không phải dân "sành ăn", có thể nhờ chủ quán “tham mưu”:Làm món gì- gà hấp, nướng, nấu lá giang, luộc, bóp gỏi, chiên mắm, nấu cháo… Thích gà mái hay gà trống?..........
Chú ý: Gà mái luộc mau mềm, còn gà trống nặng cân, xương cứng nên thường được ăn nướng. Nhà bếp mau chóng cắt tiết, làm lông tại chỗ.
Điều khác biệt làm nên tiếng ngon đồn xa cho món gà chỉ Cam Ranh là nhờ chủ quán lấy gà của người dân tộc vùng núi, lông đen, chân nhỏ, được thả rong nên thịt săn chắc, không mỡ, không bệu, chân vàng...
Chỉ trỏ chọn lựa xong, rửa tay rửa mặt, ngồi thư giản dưới bóng cây, chờ món ăn dọn lên .



Bánh tráng chấm mắm ruốc

Cách đây vài năm dọc đường Trần Phú bán đầy rẫy, nhưng vì văn minh cho Nha Trang trong mắt du khách, nên các hàng quán "bánh tráng chấm mắm ruốc" di dời vào Công viên Yến Phi, đường Nguyễn Chánh xung quanh trường CĐSP...Đã là người Nha Trang sống ở NT hay đi đâu xa cũng không bao giờ quên nỗi hương vị món ăn đơn sơ, giản dị " bánh tráng chấm mắm ruốc" này.



Bún sứa Nha Trang

Buổi sáng, điểm tâm món bún sứa với chả cá (hoặc cá dầm) nóng hổi, kèm theo giá sống và bắp chuối non xắt mỏng, trong cái gió biển hây hây thì còn gì bằng. Món bún sứa Nha Trang phong phú sắc màu và đậm đà hương vị. Món sứa là nguyên liệu chính trong tô bún nóng hổi gồm có sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, vài lát ớt cay và không thể thiếu vị mặn nồng nàn của mắm ruốc. Thịt sứa mát và giòn, nhất là chân sứa, mùi vị đặc biệt khó quên dù trộn chung với thịt, cua, tôm...Đến thành phố biển Nha Trang, bạn đừng quên thưởng thức món bún sứa. Những người xa Nha Trang, khi trở về thăm thành phố cũ, thường không quên ghé lại quán bún sứa bên đường để thêm một lần thưởng thức món ăn đượm đầy mùi vị quê hương.


Bánh canh chả cá Nha Trang

Bánh canh chả cá Nha Trang là món ăn đặc sản mà khách đến vùng biển này phải tìm ăn bằng được. Có hai loại chả cá: Chả hấp và chả chiên, đều có vị ngọt thơm, hấp dẫn như nhau.
Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon do làm từ cá tươi, từng đĩa chả cá chiên vàng, được bày trên bàn các hàng bánh canh, bún cá buổi chiều rất hấp dẫn. Cá để làm chả thường là các loại cá ngon: cá mối, cá thu, cá thửng, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ v.v... nhưng ngon nhất để làm chả là cá thu, cá mối, cá rựa. Chả cá có hai loại chả hấp và chả chiên, có người thích ăn chả chiên vì nó thơm, có người thích ăn chả hấp vì nó ngọt. Dù là chiên hay hấp, chả cá luôn có một vị đặc trưng giống nhau: dai, mềm, ngọt vị cá, đậm đà hơn nếu chấm một chút xíu nước mắm tỏi ớt đậm đặc.
Làm chả cá rất đơn giản, tuy có hơi nhọc công bởi khâu giã cá: cá tươi, rửa sạch, nạo lấy thịt. Hành, tỏi tiêu, gia vị giã nhuyễn, bỏ cá đã nạo vào cối quết thật nhuyễn, món chả cá càng quết nhuyễn thịt càng dai, quết đến khi thật nặng tay thì thôi. Chả được vê lại thành vê để chiên. Nếu là chả cá hấp thì cho thêm ít mỡ khổ xắt hột lựu, một ít nấm mèo xắt nhỏ trộn đều, hấp đến khi gần chín đập vào một cái trứng cho bề mặt có mầu vàng.
Chả cá là nguyên liệu chính của món bánh canh hay bún cá. Cá sau khi đã lóc hết thịt, lấy xương, xương ninh lấy nước, nồi nước ngọt bởi xương cá, nêm gia vị tùy theo bánh canh hay bún cá. Nếu bún cá thì khi ăn cho vào ít hành tây, cà chua và ăn kèm với rau sống. Bánh canh thường có ba loại: bánh canh bột gạo, bánh canh bún và bánh canh bột lọc. Bột lọc được làm bằng bột mì hay bột năng và bánh canh bột lọc thường phải nấu với cua. Bánh canh bột gạo làm như làm bánh phở; bánh canh bún là một loại bún cọng to.
Buổi xế chiều từng hàng bánh canh, bún cá được dọn ra, trên bàn là đĩa chả cá chiên vàng, một khay chả cá hấp mầu vàng óng, một thau nhỏ vừa hành lá xắt nhỏ, vừa hành củ được chẻ thành sợi, một hủ hành khô phi vàng, cạnh đấy là đĩa chanh được cắt thành từng miếng nhỏ và tô nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Bà bán hàng múc tô bánh canh nghi ngút khói, bỏ vào một nhúm chả cá chiên đã xắt thành từng miếng nhỏ, cho vào một ít hành lá, một ít hành củ, rưới thêm tí tiêu, bỏ thêm ít hành phi...
Thực khách vắt vào tô bánh canh một miếng chanh, cho thêm chút mắm ớt, tỏi, xì xà, xì xụp húp, kêu thêm một đĩa chả cá hấp, bên trên phủ một lớp hành tây thái mỏng, chấm với nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Chỉ có năm ngàn đồng một tô bánh canh, đĩa chả cá hấp một ngàn đồng. Ăn xong thực khách hài lòng với món ăn dân dã mà đầy hương vị.
Bonus: các địa điểm bánh canh ngon ở Nha Trang :
- Bánh Canh bà Thừa trên đường Yersin.
- Bánh canh ở sát bên tòa án Thành Phố, đường Nguyễn Trãi.
- Bánh canh Đầu cá thu đầu đường Vân Đồn.
- Bánh canh cửa bé...... và còn rất nhiều địa điểm khác nữa.

Bánh ướt Ninh Hòa - Món ăn dân dã và nổi tiếng.
Ninh Hòa không chỉ nổi tiếng vì phong cảnh non nước hữu tình, mà còn nổi tiếng với các món ăn như: Nem chua, bún lá cá dằm (Ninh Quang), đặc biệt là món bánh ướt ở Ninh Bình…Có thể nói, bánh ướt Ninh Hòa là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng. Nó không chỉ được người trong tỉnh biết đến mà còn thu hút đông
đảo khách ở các địa phương khác.

Nem nướng Ninh Hòa

Mọi người biết đến Ninh Hòa, Khánh Hòa bởi món nem chua. Nhưng có một món nem khác chẳng chua tí nào nhưng đã thuộc vào hàng danh thực, trở hành món ăn không thể thiếu đối với người dân Khánh Hòa cũng như khách du lịch đến với thành phố biển. Ăn nem nướng Ninh Hòa tại Nha Trang sẽ thấy không có gì khác biệt từ quê gốc của nó cách Nha Trang 34 cây số. Cách chế biến, pha chế nước mắm, cũng đều theo cách của cả gần mấy chục năm nay. Trước khi giới thiệu "đặc sản nem nướng", xin dẫn dắt đôi dòng về cách chế biến nem.Nem chua chủ yếu làm bằng thịt đùi còn nóng ở những con heo lớn dùng chày hoặc máy xay giã (hoặc xay) nhuyễn rồi giã sơ lại, sau đó trộn gia vị tỏi, tiêu, da heo thái nhỏ. Để cho nem lên chua chỉ có hai loại lá là chùm ruột và vông nem. Lá chùm ruột làm nem ngon hơn, lại có rất nhiều ở Khánh Hòa. Vị chua
của nem nhờ lá chùm ruột rất lạ khác xa với nem chợ Huyện (Bình Định) làm bằng lá ổi hoặc nem Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) làm bằng lá vông nem. Thường khi khách vào quán nem, ngoài phần nem nướng đã gọi, trên bàn luôn có sẵn một đĩa nem chua và chả lụa để cho khách ăn chơi. Nem chua ăn kèm với tỏi và nước chấm gồm ớt, tỏi, đường, nước mắm pha sệt. Vị nước mắm ngọt cay ăn với nem rất hấp dẫn.
Hiện nay, tại địa bàn Nha Trang có khoảng hai chục tiệm bán nem phục vụ vào buổi chiều đến tối như các quán nem nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Lê Thành Phương, Trần Đường...,nhưng đông khách hơn cả là quán Đặng Văn Quyên và Ngọc Tiên. Làm nem nướng thì gồm có thịt xay nhuyễn hoặc bằm nhỏ nướng lụi, bánh tráng chiên giòn (bánh tráng cuốn nhỏ, bỏ vào chảo dầu cho phồng lên). Một phần nem nướng khá cầu kỳ gồm khoảng 6-8 miếng thịt băm lụi, cũng số lượng đó miếng bánh tráng chiên giòn. Ăn kèm với món nem chính là các loại rau. Rau ăn nem nướng không phức tạp, nhưng cũng có cả chục loại đủ mùi cay, chua, chát... Tùy theo mùa rau có thể được bày ra gồm: dấp cá, hẹ, húng quế, tần ô, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế (hoặc xoài sống)... , có nơi có thêm dưa chua và hành chua. Sự thành công hay thất bại của quán lại rơi vào món nước chấm. Nước chấm là loại nuớc lèo pha chế với công thức riêng của nơi bán. Khi ăn, dùng bánh tráng nem (sản xuất tại làng Diên Thủy, Diên Khánh, Khánh Hòa). Bánh tráng không nhúng nước, bỏ rau vào, bỏ thịt lụi, bánh tráng chiên giòn vào, cuốn lại, chấm nước lèo mà ăn. Rất ngon!

Bánh mì Nha Trang

Thật là thiếu sót khi bạn đã từng đến Nha Trang (Khánh Hòa)mà chưa ăn thử một ổ bánh mì ở đây. Ăn rồi mới thấy, bánh mì Nha Trang không giống với bánh mì ở bất cứ nơi nào!
Cái khác trước nhất là độ giòn và đặc ruột. So với bánh mì Sài Gòn xốp và thơm mùi bơ, bánh mì Nha Trang hoàn toàn khác hẳn. Độ giòn của bánh mì Nha Trang có lẽ khiến người ta ăn một lần nhớ mãi, mùi thơm đặc trưng của bột nướng, không bơ khiến ổ bánh mì ăn không thấy ngán. Cái khác thứ hai nữa là về hình thức, bánh mì Nha Trang đặc biệt có hai đầu nhọn, nhiều người bị “ghiền” phần này, cầm đến ổ bánh mì là bẻ hai cái chóp “thanh toán” trước tiên! 
Có người cho rằng, người Pháp đã đem vào Việt Nam món bánh mì, nhưng khi người Việt tiếp thu cái công nghệ bánh mì này, họ đã làm cho nó hoàn thiện hơn, Việt Nam hơn và… ngon hơn cả bánh mì của Pháp. Nhiều người còn cho rằng, bánh mì Nha Trang hơi giống với bánh mì baguette của Pháp. Tuy nhiên, nói không quá, đã “kết” bánh mì Nha Trang rồi, chắc có lẽ bánh mì baguette cũng không “xi-nhê”! Bánh mì Nha Trang ngon nhất là khi vừa mới ra lò. Bánh giòn mềm, nóng hổi; ngồi nói chuyện chơi, có khi ăn hết một ổ hồi nào không hay. Chính vì không có mùi bơ mà bánh mì Nha Trang ăn với gì cũng ngon: chấm với sữa đặc có đường, chấm với đường, quết bơ, ăn với trứng ốp-la… Thậm chí, nhiều người còn khoái ăn bánh mì chấm với… xì dầu hoặc nước mắm ớt tỏi! 
Nếu chỉ tính bánh mì ổ, không tính những tiệm bánh lớn như Thiên Hòa, Đức Phát bán chủ yếu bánh mì mềm sandwich thì, 2 “tập đoàn” bánh mì có tiếng ở Nha Trang chính là “Ba Lẹ” và “Nguyên Hương”.
Bánh mì Ba Lẹ nổi tiếng với nhân thịt nguội (chả lụa, pâte, jambon…) và đặc biệt là nhân cá. Cá ở đây là cá bò hay cá ngừ, nhưng được chế biến ngon không thua gì cá hộp. Bí quyết riêng của Ba Lẹ không chỉ chế biến từ cá mới đánh bắt tươi xanh mà còn là những gia vị mà có lẽ khó có nơi nào bắt chước được. Một ổ bánh mì 6.000 đồng, kèm với ly cà phê sữa cho buổi sáng là vừa túi tiền của giới công chức hay người lao động. 

Bánh mì Nguyên Hương không cầu kỳ với đủ thứ nhân như Ba Lẹ nhưng có cái ngon kiểu khác, thanh tao hơn, thích hợp cho những người không thích nhiều gia vị. Một gắp hành lá chẻ sợi, miếng dưa leo xắt mỏng, dài đặt dọc theo ổ bánh rồi sau đó hàng loạt miếng chả lụa, chả quế sắp theo, xịt chút xì dầu, rưới tí muối tiêu, thêm vài lát ớt là xong. Cái ngon của bánh mì Nguyên Hương là không quá béo, ăn vừa miệng, không ngán, rất thích hợp cho những chuyến đi chơi xa, dã ngoại. Nhiều người thích bánh mì Nguyên Hương bởi ở đây chỉ bán bánh mì mới ra lò, không qua hơ lửa. 5.000 đồng một ổ đáp ứng nhu cầu cho đa phần dân chúng ở đây và cho cả khách du lịch muốn thưởng thức món ẩm thực đạm bạc, bình dân!
Bánh mì Nha Trang hiện diện trong bữa ăn sáng, ăn trưa hay trên cả bàn tiệc sang trọng tùy theo món chấm đi kèm với nó. La-gu, cà-ri, bò sốt vang, bò kho, bao tử nấu tiêu… ăn với bánh mì đều ngon. Bình dân nhất ở các hàng bánh canh, bún cá đều kèm theo bánh mì (hàng bún cá mà không có bánh mì quả là điều thiếu sót lớn!). Bánh mì có thể chấm với nước lèo bánh canh, bún cá. Đặc biệt hơn, bánh mì bỏ nhân chả cá, chế thêm chút nước mắm ớt ngọt đặc sệt vào mới ngon. Đặc biệt nữa, ở các hàng bún cá thường có thêm món bánh mì xíu mại. Viên xíu mại mềm, đậm đà, vừa miệng, ăn với bánh mì mới ra lò ngon hết ý!
Mấy năm sau này, khi phố Tây Nha Trang bắt đầu hiện diện trong các cuốn guidebook thì ở đường Hùng Vương xuất hiện hàng loạt hàng bánh mì bò né. Làm nên thương hiệu cho một con phố hẳn hoi, đúng kiểu bò né Nha Trang với giá cả khá mềm và đảm bảo ngon. Không chỉ khách du lịch trong nước ưa thích mà đa phần khách Tây cũng ưa chuộng. 
Chính trạng thái giòn giòn rất riêng của bánh mì Nha Trang mà có cửa tiệm chỉ bán bánh mì với khoảng 18 món, lấy tên là GIÒN (đường Lê Thành Phương). Với cách bài trí trẻ trung, sinh động, GIÒN đã làm tăng thêm sự ngon miệng cho thực khách khi thưởng thức món bánh mì!
Bánh mì Nha Trang vừa rẻ mà ngon, được nhiều người ưa chuộng. Ở Nha Trang, lúc nào bạn cũng có thể kiếm được ổ bánh mì mới ra lò bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Có thể là ổ bánh mì mua ở xe dọc đường hay ở các quán bún cá, bánh canh và ngay cả trong các nhà hàng sang trọng. Bánh mì Nha Trang đã thành thương hiệu của người Nha Trang, ai đi xa cũng thấy nhớ...