Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Hiển thị các bài đăng có nhãn amthucnhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn amthucnhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

XÁ SÙNG MÓN NGON CAM RANH

Xá sùng: Món ngon mà lạ ở Cam Ranh (Khánh Hòa)
Đặc sản này được chế biến khá cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. là có tiếng hơn cả. Con xá sùng chính là con giun biển, lớn hơn giun đất, đẹp đẽ hơn. Nó sống ở các đụn cát ven biển (nơi giao lưu giữa sông và biển). Xá sùng ngày càng có giá do được dân nhậu yêu thích.
Việc phát hiện ra con xá sùng và đưa vào làm món ăn, lúc đầu chỉ với mục đích để nhậu chơi cho vui. Không ngờ sau đó, món ăn này được dân nhậu đồn xa, các nhà hàng đi tìm tới nơi đặt mua. Thế là đến nay, giá mỗi ký xá sùng đã lên tới 70.000 đồng, còn một đĩa xá sùng lèo tèo cũng đã 30.000 đồng.
Xá sùng loe ngoe không có gì hấp dẫn. Người đầu bếp cắt khúc, lộn lại cho sạch ruột như lộn ruột heo non, chẻ ra rồi xát muối cho khỏi tanh. Thế là con xá sùng trở nên trắng nõn, dễ thương. Người nhậu nếu thấy con xá sùng lúc còn sống, trườn trong đất chắc không dám ăn. Nhưng xá sùng nướng lên thì thơm và ăn rất ngọt. 

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ý NGHĨA TÊN NHA TRANG

Tên Nha Trang là do tiếng thổ âm của người Chàm là Eatrang hay Jatrang đọc chệch ra mà thành. Ea hay Ja là con sông, Trang là lau sậy. Vì ngày xưa dọc theo bờ sông Nha Trang lau sậy mọc um tùm, hoa bông lau nở trắng 1 vùng. Tên Nha Trang được chính thức sử dụng từ khi người Việt đặt chủ quyền của mình trên mảnh đất này 1653.
             Còn 1 giả thuyết nữa về tên gọi là Nha Trang là: gần Hải Dương Học có ngôi nhà trắng nằm trên đồi cao sát biển. Tàu đánh cá theo đó có thể định hướng. Có lần tàu nước ngoài ngang qua đây, hỏi người phiên dịch đây là vùng nào, anh ta không biết thấy ngôi nhà màu trắng nên anh ta gọi đại là Nhà Trắng. Vì tiếng nước ngoài không có dấu nên đọc thành Nha Trang. Nhưng giả thuyết này không phù hợp cho lắm bởi vì tên Nha Trang chính thức được sử dụng vào 1653. Khi người Việt đặt chủ quyền trên vùng đất này. Ban đầu chỉ là xóm chài ven biển, khi ấy bác sĩ Yersin đến thì dân mới đông hơn. Chúng ta không thể không nhắc đến nhà bác học ALEXANDER JOHN EMILE YERSIN người đã gắn liền cuộc đời mình và cống hiến cho khoa học tại thành phố này. 

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Đặc sản Nha Trang

Gà "chỉ" Cam Ranh-nét đặc trưng ẩm thực mới cho dân sành ăn

Cũng giống như cái tên quán " chè hé" ở đường 3/2 Đà Lạt- nghĩa là cái quán này bán chè cánh cửa lúc nào cũng mở he hé, không đưa bảng hiệu thành ra 1 cái tên chết của quán luôn.
Gà "chỉ" Cam Ranh, nghĩa là khách đến quán bước ra vườn tự tay chọn lựa gà. Khách chỉ con nào, chủ quán bắt con ấy. Muốn chế biến món gì, chủ quán sẽ làm. Nếu không phải dân "sành ăn", có thể nhờ chủ quán “tham mưu”:Làm món gì- gà hấp, nướng, nấu lá giang, luộc, bóp gỏi, chiên mắm, nấu cháo… Thích gà mái hay gà trống?..........
Chú ý: Gà mái luộc mau mềm, còn gà trống nặng cân, xương cứng nên thường được ăn nướng. Nhà bếp mau chóng cắt tiết, làm lông tại chỗ.
Điều khác biệt làm nên tiếng ngon đồn xa cho món gà chỉ Cam Ranh là nhờ chủ quán lấy gà của người dân tộc vùng núi, lông đen, chân nhỏ, được thả rong nên thịt săn chắc, không mỡ, không bệu, chân vàng...
Chỉ trỏ chọn lựa xong, rửa tay rửa mặt, ngồi thư giản dưới bóng cây, chờ món ăn dọn lên .



Bánh tráng chấm mắm ruốc

Cách đây vài năm dọc đường Trần Phú bán đầy rẫy, nhưng vì văn minh cho Nha Trang trong mắt du khách, nên các hàng quán "bánh tráng chấm mắm ruốc" di dời vào Công viên Yến Phi, đường Nguyễn Chánh xung quanh trường CĐSP...Đã là người Nha Trang sống ở NT hay đi đâu xa cũng không bao giờ quên nỗi hương vị món ăn đơn sơ, giản dị " bánh tráng chấm mắm ruốc" này.



Bún sứa Nha Trang

Buổi sáng, điểm tâm món bún sứa với chả cá (hoặc cá dầm) nóng hổi, kèm theo giá sống và bắp chuối non xắt mỏng, trong cái gió biển hây hây thì còn gì bằng. Món bún sứa Nha Trang phong phú sắc màu và đậm đà hương vị. Món sứa là nguyên liệu chính trong tô bún nóng hổi gồm có sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, vài lát ớt cay và không thể thiếu vị mặn nồng nàn của mắm ruốc. Thịt sứa mát và giòn, nhất là chân sứa, mùi vị đặc biệt khó quên dù trộn chung với thịt, cua, tôm...Đến thành phố biển Nha Trang, bạn đừng quên thưởng thức món bún sứa. Những người xa Nha Trang, khi trở về thăm thành phố cũ, thường không quên ghé lại quán bún sứa bên đường để thêm một lần thưởng thức món ăn đượm đầy mùi vị quê hương.


Bánh canh chả cá Nha Trang

Bánh canh chả cá Nha Trang là món ăn đặc sản mà khách đến vùng biển này phải tìm ăn bằng được. Có hai loại chả cá: Chả hấp và chả chiên, đều có vị ngọt thơm, hấp dẫn như nhau.
Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon do làm từ cá tươi, từng đĩa chả cá chiên vàng, được bày trên bàn các hàng bánh canh, bún cá buổi chiều rất hấp dẫn. Cá để làm chả thường là các loại cá ngon: cá mối, cá thu, cá thửng, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ v.v... nhưng ngon nhất để làm chả là cá thu, cá mối, cá rựa. Chả cá có hai loại chả hấp và chả chiên, có người thích ăn chả chiên vì nó thơm, có người thích ăn chả hấp vì nó ngọt. Dù là chiên hay hấp, chả cá luôn có một vị đặc trưng giống nhau: dai, mềm, ngọt vị cá, đậm đà hơn nếu chấm một chút xíu nước mắm tỏi ớt đậm đặc.
Làm chả cá rất đơn giản, tuy có hơi nhọc công bởi khâu giã cá: cá tươi, rửa sạch, nạo lấy thịt. Hành, tỏi tiêu, gia vị giã nhuyễn, bỏ cá đã nạo vào cối quết thật nhuyễn, món chả cá càng quết nhuyễn thịt càng dai, quết đến khi thật nặng tay thì thôi. Chả được vê lại thành vê để chiên. Nếu là chả cá hấp thì cho thêm ít mỡ khổ xắt hột lựu, một ít nấm mèo xắt nhỏ trộn đều, hấp đến khi gần chín đập vào một cái trứng cho bề mặt có mầu vàng.
Chả cá là nguyên liệu chính của món bánh canh hay bún cá. Cá sau khi đã lóc hết thịt, lấy xương, xương ninh lấy nước, nồi nước ngọt bởi xương cá, nêm gia vị tùy theo bánh canh hay bún cá. Nếu bún cá thì khi ăn cho vào ít hành tây, cà chua và ăn kèm với rau sống. Bánh canh thường có ba loại: bánh canh bột gạo, bánh canh bún và bánh canh bột lọc. Bột lọc được làm bằng bột mì hay bột năng và bánh canh bột lọc thường phải nấu với cua. Bánh canh bột gạo làm như làm bánh phở; bánh canh bún là một loại bún cọng to.
Buổi xế chiều từng hàng bánh canh, bún cá được dọn ra, trên bàn là đĩa chả cá chiên vàng, một khay chả cá hấp mầu vàng óng, một thau nhỏ vừa hành lá xắt nhỏ, vừa hành củ được chẻ thành sợi, một hủ hành khô phi vàng, cạnh đấy là đĩa chanh được cắt thành từng miếng nhỏ và tô nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Bà bán hàng múc tô bánh canh nghi ngút khói, bỏ vào một nhúm chả cá chiên đã xắt thành từng miếng nhỏ, cho vào một ít hành lá, một ít hành củ, rưới thêm tí tiêu, bỏ thêm ít hành phi...
Thực khách vắt vào tô bánh canh một miếng chanh, cho thêm chút mắm ớt, tỏi, xì xà, xì xụp húp, kêu thêm một đĩa chả cá hấp, bên trên phủ một lớp hành tây thái mỏng, chấm với nước mắm ớt tỏi đậm đặc. Chỉ có năm ngàn đồng một tô bánh canh, đĩa chả cá hấp một ngàn đồng. Ăn xong thực khách hài lòng với món ăn dân dã mà đầy hương vị.
Bonus: các địa điểm bánh canh ngon ở Nha Trang :
- Bánh Canh bà Thừa trên đường Yersin.
- Bánh canh ở sát bên tòa án Thành Phố, đường Nguyễn Trãi.
- Bánh canh Đầu cá thu đầu đường Vân Đồn.
- Bánh canh cửa bé...... và còn rất nhiều địa điểm khác nữa.

Bánh ướt Ninh Hòa - Món ăn dân dã và nổi tiếng.
Ninh Hòa không chỉ nổi tiếng vì phong cảnh non nước hữu tình, mà còn nổi tiếng với các món ăn như: Nem chua, bún lá cá dằm (Ninh Quang), đặc biệt là món bánh ướt ở Ninh Bình…Có thể nói, bánh ướt Ninh Hòa là một món ăn dân dã nhưng rất ngon miệng. Nó không chỉ được người trong tỉnh biết đến mà còn thu hút đông
đảo khách ở các địa phương khác.

Nem nướng Ninh Hòa

Mọi người biết đến Ninh Hòa, Khánh Hòa bởi món nem chua. Nhưng có một món nem khác chẳng chua tí nào nhưng đã thuộc vào hàng danh thực, trở hành món ăn không thể thiếu đối với người dân Khánh Hòa cũng như khách du lịch đến với thành phố biển. Ăn nem nướng Ninh Hòa tại Nha Trang sẽ thấy không có gì khác biệt từ quê gốc của nó cách Nha Trang 34 cây số. Cách chế biến, pha chế nước mắm, cũng đều theo cách của cả gần mấy chục năm nay. Trước khi giới thiệu "đặc sản nem nướng", xin dẫn dắt đôi dòng về cách chế biến nem.Nem chua chủ yếu làm bằng thịt đùi còn nóng ở những con heo lớn dùng chày hoặc máy xay giã (hoặc xay) nhuyễn rồi giã sơ lại, sau đó trộn gia vị tỏi, tiêu, da heo thái nhỏ. Để cho nem lên chua chỉ có hai loại lá là chùm ruột và vông nem. Lá chùm ruột làm nem ngon hơn, lại có rất nhiều ở Khánh Hòa. Vị chua
của nem nhờ lá chùm ruột rất lạ khác xa với nem chợ Huyện (Bình Định) làm bằng lá ổi hoặc nem Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) làm bằng lá vông nem. Thường khi khách vào quán nem, ngoài phần nem nướng đã gọi, trên bàn luôn có sẵn một đĩa nem chua và chả lụa để cho khách ăn chơi. Nem chua ăn kèm với tỏi và nước chấm gồm ớt, tỏi, đường, nước mắm pha sệt. Vị nước mắm ngọt cay ăn với nem rất hấp dẫn.
Hiện nay, tại địa bàn Nha Trang có khoảng hai chục tiệm bán nem phục vụ vào buổi chiều đến tối như các quán nem nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Lê Thành Phương, Trần Đường...,nhưng đông khách hơn cả là quán Đặng Văn Quyên và Ngọc Tiên. Làm nem nướng thì gồm có thịt xay nhuyễn hoặc bằm nhỏ nướng lụi, bánh tráng chiên giòn (bánh tráng cuốn nhỏ, bỏ vào chảo dầu cho phồng lên). Một phần nem nướng khá cầu kỳ gồm khoảng 6-8 miếng thịt băm lụi, cũng số lượng đó miếng bánh tráng chiên giòn. Ăn kèm với món nem chính là các loại rau. Rau ăn nem nướng không phức tạp, nhưng cũng có cả chục loại đủ mùi cay, chua, chát... Tùy theo mùa rau có thể được bày ra gồm: dấp cá, hẹ, húng quế, tần ô, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế (hoặc xoài sống)... , có nơi có thêm dưa chua và hành chua. Sự thành công hay thất bại của quán lại rơi vào món nước chấm. Nước chấm là loại nuớc lèo pha chế với công thức riêng của nơi bán. Khi ăn, dùng bánh tráng nem (sản xuất tại làng Diên Thủy, Diên Khánh, Khánh Hòa). Bánh tráng không nhúng nước, bỏ rau vào, bỏ thịt lụi, bánh tráng chiên giòn vào, cuốn lại, chấm nước lèo mà ăn. Rất ngon!

Bánh mì Nha Trang

Thật là thiếu sót khi bạn đã từng đến Nha Trang (Khánh Hòa)mà chưa ăn thử một ổ bánh mì ở đây. Ăn rồi mới thấy, bánh mì Nha Trang không giống với bánh mì ở bất cứ nơi nào!
Cái khác trước nhất là độ giòn và đặc ruột. So với bánh mì Sài Gòn xốp và thơm mùi bơ, bánh mì Nha Trang hoàn toàn khác hẳn. Độ giòn của bánh mì Nha Trang có lẽ khiến người ta ăn một lần nhớ mãi, mùi thơm đặc trưng của bột nướng, không bơ khiến ổ bánh mì ăn không thấy ngán. Cái khác thứ hai nữa là về hình thức, bánh mì Nha Trang đặc biệt có hai đầu nhọn, nhiều người bị “ghiền” phần này, cầm đến ổ bánh mì là bẻ hai cái chóp “thanh toán” trước tiên! 
Có người cho rằng, người Pháp đã đem vào Việt Nam món bánh mì, nhưng khi người Việt tiếp thu cái công nghệ bánh mì này, họ đã làm cho nó hoàn thiện hơn, Việt Nam hơn và… ngon hơn cả bánh mì của Pháp. Nhiều người còn cho rằng, bánh mì Nha Trang hơi giống với bánh mì baguette của Pháp. Tuy nhiên, nói không quá, đã “kết” bánh mì Nha Trang rồi, chắc có lẽ bánh mì baguette cũng không “xi-nhê”! Bánh mì Nha Trang ngon nhất là khi vừa mới ra lò. Bánh giòn mềm, nóng hổi; ngồi nói chuyện chơi, có khi ăn hết một ổ hồi nào không hay. Chính vì không có mùi bơ mà bánh mì Nha Trang ăn với gì cũng ngon: chấm với sữa đặc có đường, chấm với đường, quết bơ, ăn với trứng ốp-la… Thậm chí, nhiều người còn khoái ăn bánh mì chấm với… xì dầu hoặc nước mắm ớt tỏi! 
Nếu chỉ tính bánh mì ổ, không tính những tiệm bánh lớn như Thiên Hòa, Đức Phát bán chủ yếu bánh mì mềm sandwich thì, 2 “tập đoàn” bánh mì có tiếng ở Nha Trang chính là “Ba Lẹ” và “Nguyên Hương”.
Bánh mì Ba Lẹ nổi tiếng với nhân thịt nguội (chả lụa, pâte, jambon…) và đặc biệt là nhân cá. Cá ở đây là cá bò hay cá ngừ, nhưng được chế biến ngon không thua gì cá hộp. Bí quyết riêng của Ba Lẹ không chỉ chế biến từ cá mới đánh bắt tươi xanh mà còn là những gia vị mà có lẽ khó có nơi nào bắt chước được. Một ổ bánh mì 6.000 đồng, kèm với ly cà phê sữa cho buổi sáng là vừa túi tiền của giới công chức hay người lao động. 

Bánh mì Nguyên Hương không cầu kỳ với đủ thứ nhân như Ba Lẹ nhưng có cái ngon kiểu khác, thanh tao hơn, thích hợp cho những người không thích nhiều gia vị. Một gắp hành lá chẻ sợi, miếng dưa leo xắt mỏng, dài đặt dọc theo ổ bánh rồi sau đó hàng loạt miếng chả lụa, chả quế sắp theo, xịt chút xì dầu, rưới tí muối tiêu, thêm vài lát ớt là xong. Cái ngon của bánh mì Nguyên Hương là không quá béo, ăn vừa miệng, không ngán, rất thích hợp cho những chuyến đi chơi xa, dã ngoại. Nhiều người thích bánh mì Nguyên Hương bởi ở đây chỉ bán bánh mì mới ra lò, không qua hơ lửa. 5.000 đồng một ổ đáp ứng nhu cầu cho đa phần dân chúng ở đây và cho cả khách du lịch muốn thưởng thức món ẩm thực đạm bạc, bình dân!
Bánh mì Nha Trang hiện diện trong bữa ăn sáng, ăn trưa hay trên cả bàn tiệc sang trọng tùy theo món chấm đi kèm với nó. La-gu, cà-ri, bò sốt vang, bò kho, bao tử nấu tiêu… ăn với bánh mì đều ngon. Bình dân nhất ở các hàng bánh canh, bún cá đều kèm theo bánh mì (hàng bún cá mà không có bánh mì quả là điều thiếu sót lớn!). Bánh mì có thể chấm với nước lèo bánh canh, bún cá. Đặc biệt hơn, bánh mì bỏ nhân chả cá, chế thêm chút nước mắm ớt ngọt đặc sệt vào mới ngon. Đặc biệt nữa, ở các hàng bún cá thường có thêm món bánh mì xíu mại. Viên xíu mại mềm, đậm đà, vừa miệng, ăn với bánh mì mới ra lò ngon hết ý!
Mấy năm sau này, khi phố Tây Nha Trang bắt đầu hiện diện trong các cuốn guidebook thì ở đường Hùng Vương xuất hiện hàng loạt hàng bánh mì bò né. Làm nên thương hiệu cho một con phố hẳn hoi, đúng kiểu bò né Nha Trang với giá cả khá mềm và đảm bảo ngon. Không chỉ khách du lịch trong nước ưa thích mà đa phần khách Tây cũng ưa chuộng. 
Chính trạng thái giòn giòn rất riêng của bánh mì Nha Trang mà có cửa tiệm chỉ bán bánh mì với khoảng 18 món, lấy tên là GIÒN (đường Lê Thành Phương). Với cách bài trí trẻ trung, sinh động, GIÒN đã làm tăng thêm sự ngon miệng cho thực khách khi thưởng thức món bánh mì!
Bánh mì Nha Trang vừa rẻ mà ngon, được nhiều người ưa chuộng. Ở Nha Trang, lúc nào bạn cũng có thể kiếm được ổ bánh mì mới ra lò bất kể sáng, trưa, chiều, tối. Có thể là ổ bánh mì mua ở xe dọc đường hay ở các quán bún cá, bánh canh và ngay cả trong các nhà hàng sang trọng. Bánh mì Nha Trang đã thành thương hiệu của người Nha Trang, ai đi xa cũng thấy nhớ...