Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

HÒN CHỒNG

Thắng cảnh Hòn Chồng rất độc đáo nằm ngay trên địa phận của Thành phố Nha Trang. Xe chúng ta sẽ theo con đường vào trường Đại Học Thủy Sản qua nhà nghỉ của Liên Đoàn Lao Động Khánh Hòa.
Hòn Chồng là một bán đảo xinh xắn tròn trịa, hơi trần trụi, song rất nổi tiếng, bởi đó là một quần thể các khối đá hoa cương lớn nhỏ, đa hình, đa dạng xếp chồng lên nhau hoặc chen chúc, hoặc chênh vênh tưởng chừng như được bàn tay tạo hóa xếp đặt. Chúng chia làm 2 nhóm: nhóm đá phía Bắc nửa chìm nửa nổi thường được gọi là Hòn Chồng, nhóm nhỏ hơn nằm ở chân đồi phía đông gọi là Hòn Vợ.
Về cấu trúc địa chất, đó chỉ là phần xuất lộ đá hoa cương gốc, phần rìa của một phức hệ đá xâm nhập có tên là Đèo Cả, tạo thành cuối Cainozoi chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tác nhân, quá trình phong hóa và bào mòn của biển (ánh nắng mặt trời, nhiệt độ, độ ẩm, không khí, nước mưa, sóng và gió biển...) đã bị nứt ra và vỡ thành khối theo các khe nứt nguyên sinh và thứ sinh, biến chất và vỡ vụn phần mềm vữa bị vữa trôi. Những khối đá tảng với độ bền cao hơn thì trơ ra được sóng biển bào mòn thành tròn trịa đứng vững trước thiên nhiên và biển cả bao la dữ dội mà đối với chúng ta “lành ít, dữ nhiều” với đủ mọi hình dạng và kích thước, cũng như thế đứng, thế nằm. Đây không phải là loại đá lăn từ trên núi như truyền thuyết.
Đến với Hòn Chồng quý khách sẽ nhận thấy thật thích thú vì như đang đứng trước một trò chơi thiên nhiên kỳ lạ. Khối đá vuông vức này cứ như được ném xuống từ trên trời, bị kẹp chặt giữa 2 khối đá khác, vô hình tạo nên một chiếc cổng đá tự như một cổng thành cổ xưa làm thành một lối đi rộng rãi cho du khách lên xuống nhóm đá Hòn Chồng. Những tảng đá to lớn cồng kềnh kia trớ trêu thay lại được xếp một cách chênh vênh và mạo hiểm trên những phiến đá nhỏ hơn nhiều lần, khiến cho quý khách nếu ai yếu bóng vía sẽ không dám lại gần. Và kia nữa trên đỉnh núi cao nhất của Hòn Chồng đứng chênh vênh một mình là khối đá khổng lồ, bạn sẽ thấy in lồ lộ một dấu ấn bàn tay khổng lồ, có đủ cả 5 ngón, in rất sâu vào mặt đông của khối đá. Bàn tay này làm ta liên tưởng đến một quá khứ xa xăm của Trái đất, khi mà trái đất này còn tồn tại những sinh vật khổng lồ.
Một giải thích dân gian kể về bàn tay khổng lồ này. Vào một thời vì thấy trần gian đầy hoa thơm cỏ lạ, phong cảnh hữu tình, các Tiên của trời cũng thường kéo xuống để kiếm thú vui tiêu khiển và thường tắm mát ở Suối Tiên. Các Tiên Ông thì giỡ cờ tiên, xếp những bàn cờ vẽ sẵn trên những phiến đá vuông vức phẳng lì. Các Tiên Bà, Tiên Cô vứt bỏ xiêm áo trên bờ nhào xuống suối tiên thích thú vùng vẫy, đùa cợt làm âm vang cả một vùng. Một chàng khổng lồ cũng từ xa đến trên đường tìm thú vui, điều lạ thì vô tình lọt vào động tiên trần này. Kinh ngạc trước cảnh “ngàn năm chỉ thấy một lần” này, chàng khổng lồ say sưa ngắm nhìn, vô tình bị trượt chân vấp ngã, vội vàng bám vào những mô đá bên sườn núi. Sườn đá không chịu nổi sức mạnh của chàng khổng lồ, lở và đổ ào ào xuống, văng xa tận cửa biển tạo nên Hòn Chồng ngày nay. Khối đá lúc chàng bíu vào còn in hằng cả bàn tay, đá tung lên trời, hòn sau đứng kẹt giữa 2 hòn trước mới tạo nên “cổng thành cổ” ấy và cũng chính vì vậy mà có những tảng đá xếp lớp nằm chênh vênh trên những tảng đá nhỏ, hay được đặt nghiêng như cái bẫy đá chẳng biết lúc nào mà sụp xuống.
Còn có một truyền thuyết nữa : một chiếc thuyền của đôi vợ chồng ngư dân trẻ bị sóng to, gió lớn đánh trôi dạt vào cửa biển này. Vốn trước kia còn là những vách đá, vỡ tan tành, sóng cuốn trôi người vợ ra xa, người chồng vội lao theo kéo vào. Song cứ mỗi lần kéo vào gần được bờ, sóng lại tung bọt trắng xóa, nổi cao hàng chục mét đánh bật người vợ trở lại như quyết chí cướp đi một sinh linh cho biển cả. Lần cuối cùng, người chồng một tay dìu được vợ, một tay bám vào vách đá.
Nhưng đáng thương thay, vách đá vốn chênh vênh muốn đổ nay thêm sức nặng từ bàn tay người chồng nên đổ ào xuống biển, nhấn chìm luôn cả đôi vợ chồng bất hạnh nọ. Người chết song vẫn in đậm dấu ấn thủy chung của bàn tay người chồng còn hằn trên đá giữ mãi với thời gian. Nhìn ra xa một chút du khách sẽ thấy những hòn đảo nhỏ nhấp nhô, nửa chìm nửa nổi, người ta bảo đó là cánh buồm của đôi vợ chồng thương tâm nọ.


Đứng trên Hòn Chồng, nhìn về phía Bắc, du khách sẽ thấy ngay trước mặt là  một dãy núi chạy dọc theo hướng Đông – Tây, với nhiều đỉnh khác nhau, đó là núi Cô Tiên. Gọi như vậy vì đường viền của các đỉnh núi tạo nên một hình tượng người con gái nằm ngửa mặt lên trời, tóc xỏa dài tới chấm nước biển Đông, một chân co cao, một chân duỗi dài về hướng Tây. Mái tóc, vầng trán, khuôn mặt bầu bĩnh, lồng ngực thanh xuân nhô cao đầy sức sống, đầu gối co cao, tròn lẵng, một tư thế nằm bất động trầm tư... thật là một kiệt tác của tạo hóa khiến cho du khách cảm thấy thú vị, cảm xúc trìu mến, lưu luyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét