Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Hiển thị các bài đăng có nhãn khaiquatvenhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khaiquatvenhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

NHA TRANG XƯA


Quận Ninh Hòa nằm trong tỉnh Khánh Hòa, có tỉnh lỵ đặt tại thị xã Nha Trang. Tổng số diện tích quận Ninh Hòa khoảng chừng 1.196 cây số vuông (km2); phía Bắc giáp Vạn Giã (thuộc quận Vạn Ninh), phía Nam giáp Nha Trang, phía Tây giáp tỉnh Đắc Lắc, và phía Đông giáp biển Đông Hải. Dãy Trường Sơn có núi non hiểm trở ở về phía Tây quận Ninh Hòa, còn phía Đông có quốc lộ số 1 chạy dọc bờ biển.
Từ quận Ninh Hòa ra Vạn Giã đường bộ độ 27 cây số (ra Huế 594 cây số), vô Nha Trang độ 32 cây số (vô Sài Gòn 475 cây số), lên Buôn Mê Thuột độ 162 cây số. Ðường sắt song song với quốc lộ số 1 là hai trục lộ giao thông chính nối liền Nam-Bắc xuyên qua Sài Gòn, Nha Trang, Ninh Hòa, Huế ... Còn quốc lộ số 21 (nay đổi là 26) bắt đầu từ ngã ba Ninh Hòa (có cái bùng binh tại đây xây trước năm 1975) gần sân vận động cũ, cũng không kém phần quan trọng nối liền Ninh Hòa với các tỉnh cao nguyên đất đỏ xuyên qua Dục Mỹ, Khánh Dương và Buôn Mê Thuột.
Dân số Ninh Hòa ước lượng khoảng trên 200 ngàn người với mật độ trung bình gần 200 người trên mỗi cây số vuông. Dân cư Ninh Hòa đa số làm nghề nông ở các miền đồng bằng, làm nghề đánh cá ở ven biển; riêng nghề làm gạch gói ở Ninh Xuân (Giếng Bọng) và làm muối thì ở Hòn Khói.
Trước năm 1975, một số tiểu công nghệ đặc thù "cha truyền con nối" như làm nghề bánh tráng, bún, bánh nậm, bánh ít, bánh xèo, bánh căn, bánh dây, bánh hỏi, chả, nem, thợ rèn, làm vôi v.v.. hầu hết tập trung ở Xóm Rượu. Đặc biệt, chả và nem ở đây rất nổi tiếng cả nước không đâu bằng. Một thiểu số sống ở những triền núi như Phong Thạnh, Phú Hữu, hòn Hèo, hòn Sầm v.v… làm nghề trồng trọt và đốn cây bán làm củi. Một số ít người Thượng sắc tộc Rhadé (quen gọi là Đê) từ vùng cao nguyên xuống chợ sinh hoạt hàng ngày trong việc đổi chác thịt thú rừng, vải vóc, hoa quả như đậu xanh, dưa hấu, bí đỏ…
Người Hoa tập trung sinh sống dọc hai bên đường Trần Quý Cáp từ đường lên ga cho đến cầu Dinh, nhưng nhiều nhất phải kể khu vực quanh chợ Dinh (xem bài viết của Dương Tấn Long "Sông Dinh Qua Thi Ca - Phần 8"). Hầu hết, họ sống bằng nghề thương mại và đã cùng một thiểu số người Việt làm chủ những tiệm buôn đồ sộ làm tăng thêm phần sầm uất cho phố chợ Ninh Hòa, chẳng hạn như:
   Tiệm tạp hóa: Nam Thuận Lợi, Ba Ta, Tân Sanh, Phú Càn Ích, Lý Du Hòa, A A, Hương Giang, Hưng Ký, Thuận Lợi...
   Tiệm thuốc Bắc: Lợi Phát, Gia Phát, Hàng Vạn Tường, Nguyên Phát, Khâu Thiên Bồi, Phổ Tế Ðường, Ninh Hòa, Vĩnh An Hòa, Phước Vũ, Hàn Phương Viên..
   Tiệm thuốc Tây: Bình Minh, Ninh Hòa, Ngọc Việt, Tấn Đắc...
   Tiệm xây dựng kiến thiết: Cẩm Sanh, Liên Thành, La Lợi...
   Tiệm phụ tùng xe: Ðông Thành, Tiến Mỹ, Hòa Lợi...
   Tiệm sách: Trung Thành, Vừng Ðông, Khai Trí, Văn Hóa, Khai Ðức...
   Tiệm vải: Ðồng Thái, Ðỗ Trân Ký, Ích Thành, Hiệp Thành, ...
   Tiệm chụp hình: Ánh Hưng, Vừng Ðông, Mỹ Quang, ...
   Tiệm bánh kẹo: Lợi Hanh, Dân Dân, ....
   Tiệm vàng: Hoa Phát, Kim Thành, Liên Kim...
   Tiệm may: Trường Ðôn, Thời Trang, Mỹ Trang ...
   Tiệm giày: Trúc Thọ, ...
   Tiệm bán và sửa đồng hồ: Kim Quang,...
   Tiệm nhang: Vạn Lợi, ...
   Tiệm nem: Thái Thị Trực, ...
   Tiệm hủ tiếu, mì, bánh bao: Ðại A, Tự Nhiên (ông Tù)
   Tiệm bán guốc: cô Hường (trong lòng chợ), chị Diệp...
   Tiệm gạo: Châu Nam Hòa, bà Tám ...
   Ðại lý thuốc lá: Cẩm Hưng, ...
Một số tiệm đáng được ghi nhận nằm trước sân vận động cũ , phục vụ các phương tiện chuyển vận và giải khát như:
Tiệm hàn, điện, sửa xe vá các loại lốp xe hơi: Hòa Hưng, Nguyễn Ánh, Nguyễn Quang, Ðức Lượng,...
Tiệm kem: Thiên Hương,...
Ninh Hòa có tất cả 3 đèo: 
   đèo Cạnh (hay đèo núi Đeo) tại cây số 10 (Ninh Xuân) trên Quốc lộ 21,
   đèo Rọ Tượng nằm ở phía nam và
   đèo Bánh Ít ở phía bắc,
và một con sông, sông Dinh. Sông Dinh rộng lớn và dài khoảng 10 cây số, do 3 sông con bên dưới đây xuôi về gặp nhau tại cuối làng Ðiềm Tịnh, có địa danh là: "Họng Ngã Ba".
(1) Sông Lốt bắt nguồn từ Ðá Bàn.  Thượng nguồn có lòng hồ Ðá Bàn rộng mênh mông, nước trong vắt, chảy xuống các xã Ninh Phụng, Ninh Ðông.
(2) Sông Ðục (còn gọi là sông Ðá) hẹp hơn có nước đục quanh năm, chảy qua các xã Ninh Thượng, Ninh Thân, Ninh Phụng.
(3) Sông Cái chảy qua các xã Ninh Sim, Dục Mỹ, Ninh Xuân, Ninh Bình, Bình Thành xuyên dưới cầu Bến Gành ở cây số 2 (quốc lộ số 21).  Thượng nguồn có lòng hồ Suối Trầu, rộng mênh mông.  Về mùa mưa, nước sông Cái thường đỏ ngầu.
Từ "Họng Ngã Ba", sông Dinh tiếp tục chảy qua cầu Sắt ở Vĩnh Phú, và cầu Dinh (trên có quốc lộ số 1 cũ) rồi chảy thẳng đến Tiên Du ra cửa biển Hà Liên, có làng Lệ Cam và Tân Tế quanh chân Hòn Hèo. 
Dân Ninh Hòa hồi ấy, hầu hết ai cũng biết rõ những nơi rất quen thuộc dọc dài theo sông Dinh như bến ông Đùm, bến bà Lép, lỗ lỡ gần nhà Thờ, đập Chợ Nhỏ thuộc xã Ninh Giang, đập Bờ Trang thuộc xã Ninh Phú v.v…
Vì nước lơ lớ mặn mà dân bản xứ thường gọi là nước "xả hai, sà hai" gần cửa biển, nên tại đây sông Dinh có đầy dẫy các loài cá như cá đỏ mang, cá trèn, cá trạch, cá hồng,.. nhưng đáng kể hơn hết là chình, một đặc sản “độc nhất vô nhị" của Ninh Hòa. Một chi nhánh rẽ ra từ sông Dinh phía trên đầu chợ chảy qua xóm lò heo, cầu Gỗ rồi cầu Trạm tạo ra nhiều mương, ao và bầu có rất nhiều lươn, cá rô, cá sặc, cá lòng tong, cá trê, cá trầu (lóc) và đặc biệt giúp ích cho nghề nông tát nước vào ruộng lúa.
Biển Hòn Khói và Hà Liên có nhiều loại cá ngon như cá thu, cá bò, cá cờ, cá lạc, cá cơm, cá lá, cá đối, cá măng, cá bóng mú, cá đuối, cá ngân, cá bạc má, cá chù, cá liệt, cá nhồng, cá trích, cá nục....và nhiều hải sản đặc biệt khác như tôm hùm, tôm tích, tôm thẻ, hải sâm, sò huyết, ốc gạo, ốc xúc, rau câu, v..v...
Trước năm 1975, Ninh Hòa có tất cả 3 trường trung học nổi tiếng: Trung học Công lập Trần Bình Trọng, Trung học Bán công Ninh Hòa và Trung học Công giáo Đức Linh. Ngoài ra cũng có một số trường trung học khác nhưng ít được giới học trò nhắc nhở tới chẵng hạn như Trung học Đức Quang gần kho thuốc lá, Trung học Bồ Đề trong khuôn viên chùa Phật Học và trường Tàu. Các trường tiểu học ở Ninh Hòa đào tạo những học sinh xuất sắc trong thời gian ấy phải kể đến trường Tiểu học Tư thục Đức Trí ở dốc Quán Xóm Rượu, trường Tiểu học Công lập Ninh Hòa (hay gọi Pháp Việt) đối diện bến xe Ninh Hòa (còn gọi bến xe ngoài), trường Tiểu học Công lập Mỹ Hiệp tọa lạc ở Xóm Mới v.v…
Dân Ninh Hòa đa số theo đạo Phật và đạo thờ cúng ông bà, một số khác theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành và một số nhỏ theo đạo Cao Đài.
Đình Mỹ Hiệp ở Thị trấn Ninh Hòa, tiêu biểu kiến trúc truyền thống cổ với nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc mỹ thuật, lớn và linh thiêng tọa lạc sát Quốc lộ 1 gần kho thuốc lá (quen gọi là Bataillon – deuxième bureau từ thời Pháp). Có rất nhiều chùa như chùa Cát (còn gọi là Trường Thọ) ở gần Gò Muồng, chùa Bửu Long trên cổng xe lửa ở Bình Thành, chùa Minh Hương ở cầu Gỗ; miễu như miễu ấp trong (miễu ấp Đông Thành) gần gò Lăng, miễu ấp ngoài (miễu ấp Bắc Hiệp), miễu Tây Tụ ở cầu Gỗ v.v… Riêng người Hoa có hai chùa chánh: chùa Hải Nam (chùa Tàu ở Vĩnh Phú) và chùa Hội Quán (chùa Quảng Ðông) ở thành Chùa sát đường Nguyễn Trường Tộ, ngõ lên chợ từ Gò Muồng, Xóm Rượu và chùa Tiều sát bên cầu Dinh.
Chùa lớn nhất là chùa Phật Học ở Vĩnh Phú, nhà thờ công giáo cổ nhất được người Pháp xây cất và tọa lạc một nơi vắng vẻ ở gò Muồng, còn nhà thờ hiện đại xây trên đường Nguyễn Huệ đối diện trường Trung học Bán công Ninh Hòa, và sau cùng là nhà thờ đạo Tin Lành nằm trước mặt kho thuốc lá. Riêng nhà thờ đạo Cao Ðài tọa lạc tại Dục Mỹ, cách Ninh Hòa khoảng 14 cây số.
Thắng cảnh đẹp nhất Ninh Hòa trong đó phải nói đến bãi tắm Dốc Lết, động cát Bá Hà, lâu đài tình ái Hòn Khói, suối Ba Hồ, hồ chứa nước Ðá Bàn, Trường Bơi, suối nước nóng Dục Mỹ, v.v…Có rừng núi xung quanh suối tạo nên phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng. Nổi tiếng nhất là núi Hòn Vọng Phu cao 2051m nằm về hướng Tây Bắc và tháp Bửu Dương có 7 tầng tọa lạc tại thôn Ðiềm Tịnh, xã Ninh Phụng.  Lăng Bà Vú là một di tích lịch sử do vua Gia Long xây, để nhớ ơn công nuôi của bà khi nhà vua tìm đường ẩn náu tại địa phận Ninh Hòa.
Vì cận biển nên độ ẩm tương đối cao, thường nóng nực và hạn hán về mùa hè,  và vì lụt lội luôn xảy ra vào tháng 10 đến tháng 11 nên rét mướt kéo về những ngày cuối năm.
Sau Tết, các loại cây ăn trái như đào, mận, lựu, thanh long, xoài …, các loại hột như hột đác, hột xay, hột đười ươi vô số được bày bán ở chợ. Có nem lùi, nem nướng, nem chua của Thái Thị Trực và chả ram của bà Lột ngon tuyệt vời, đặc biệt có bánh xèo bà Chói, bà Lượng, bánh căn bà Ðức, mắm ruột cá bò kho với mỡ ăn với bánh ướt, trái quít dẻo hòn Sầm nấu xôi, bông nghễ hái tận hòn Hèo chấm mắm ốc suốt (xúc) Hà Liên là những đặc sản trứ danh của riêng Ninh Hòa mà đã ăn rồi thì không khi nào quên được!