Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Hiển thị các bài đăng có nhãn huongdandulichnhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn huongdandulichnhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

HƯỚNG DẪN DU LỊCH NHA TRANG

Sơ lược
Là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây còn được biết đến như một thành phố của lễ hội: Festival Biển, Hoa hậu Hoàn Vũ 2008, Hoa hậu Thế giới 2010,… Các bãi biển đẹp của thành phố này đã biến nơi đây trở thành một danh lam thắng cảnh thu hút khá nhiều du khách đến nơi đây.
Nơi đây có khí hậu ôn hòa, giao thông thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và đường sắt. Đặc biệt ở 
Nha Trang có nhà ga lớn nhất trong tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam. Tất cả các tuyến tàu lửa đều dừng ở đây. Ngoài các tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu SN1-2, SN3-4 và gần đây có thêm chuyến tàu 5 sao đầu tiên chạy tuyến Sài Gòn-Nha Trang.Nha Trang với điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử và nhân văn tạo dựng nên một Nha Trang có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng.
Đi những đâu?
Nhìn về hướng Ðông - Nam
Nha Trang có một cụm đảo nằm liền nhau, lớn nhất là Hòn Tre rộng gần 25km2. Ra đảo bằng thuyền buồm mất 2 giờ đồng hồ trong khi đi thuyền máy khoảng 20 phút. Hòn Tre là đảo lớn nhất nằm trên vịnh Nha Trang cách thành phố Nha Trang 5km về phía Đông và cách cảng Cầu Đá 3,5 km. Từ đây nhìn thẳng ra khơi còn một số đảo nhỏ nữa. Chính những đảo này với ưu thế biển kín, sạch làm thành những bãi tắm yên tĩnh, đẹp tuyệt vời cho Nha Trang  Khi tham quan đảo du khách sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa với tuyến cáp treo vượt biển dài nhất Đông Nam Á qua đảo Hòn Tre nối liền khu du lịch Vinpearl với cảng Cầu Đá.Ở vùng phía Tây Nha Trang là đồi núi bạt ngàn với những đỉnh cao trên dưới 1000m, có nhiều thú, chim. Du khách có thể tham gia những buổi đi săn lý thú.
Một nơi nữa cũng nổi tiếng không kém đảo Hòn Tre đó là đầm Nha Phu, là một trong hai đầm lớn nhất 
Khánh Hòa  Đầm Nha Phu nằm dưới chân Hòn Hèo cách thành phố Nha Trang khoảng 15km, đầm chạy dài khoảng chục cây số và rộng khoảng 1500 ha.Nơi đây đã mọc lên nhiều khu nghỉ mát lý tưởng, mang đến cho du khách dấu ấn khó phai: Hòn Lao, Hòn Thị, Suối Hoa Lan và khu nghỉ mát Ninh Vân với những nếp nhà gỗ nằm sát mép nước
Đầm Nha Phu
Đến Nha Trang muốn ra thăm đảo mà ngại đi ra quá xa thì ghé qua Hòn Miễu thuộc vịnh Nha Trang  Hòn Miễu là đảo gần bờ nhất trong số các hải đảo ở Nha Trang  chỉ mất hai mươi phút bằng thuyền máy là đến nơi. Trên đảo có hai địa điểm tham quan du lịch là hồ cá Trí Nguyên và bãi tắm Bãi Sỏi. Thủy cung Trí Nguyên là bộ sưu tập các loài cá biển và thực vật biển , sinh vật biển theo mô hình mở. Nằm cách hồ cá Trí Nguyên chừng vài trăm mét bằng cách băng ngang qua đảo. Gọi là Bãi Sỏi vì bãi tắm ở đây không hề có cát mà chỉ thấy toàn sỏi đá, tròn vo, nhẵn thín từ bờ chạy ra biển nước trong xanh nhìn thấy đáy. Bãi Sỏi còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, trước mặt là biển, sau lưng là khu rừng nguyên sinh với nhiều đại thụ và dây leo chằng chịt. Một nơi cũng quen thuộc gắn liền với cái tên Nha Trang khi mà người ta nhắc đến là Hòn Chồng. Một thắng cảnh tự nhiên ở thành phố Nha Trang  thuộc khóm Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi Lasan. Khu vực này là một bãi đá được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên. Ngoài ra còn có Hòn vợ ở gần đó và Hội quán vịnh Nha Trang có dạng nhà rường Huế được xây ở phía trên.

Tham quan biệt thự Cầu Đá- Lầu Bảo Đại cách trung tâm thành phố 6km, là một di tích lịch sử văn hoá, một cụm khách sạn biệt thự nổi tiếng của thành phố Nha Trang Và đây cũng là một công trình kiến trúc đẹp, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Pháp với nghệ thuật hoa viên Phương Đông. Đây từng là nơi nghỉ mát của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Nó được xây dựng trên 3 ngọn đồi nhô ra sát biển của ngọn núi Chụt (núi Cảnh Long), thuộc khóm Cầu Đá. Đến đây, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành mà còn có cơ hội nhìn ngắm vẻ đẹp của thành phố biển Nha Trang.
Bạn đã từng biết đến tháp Chàm ở Quảng Nam, Ninh Thuận thì ở Nha Trang cũng nổi tiếng không kém bởi tháp Bà một di tích của người Chăm vẫn còn tồn tại nơi đây. Dường như du khách nào đến Nha Trang cũng đi thăm tháp Bà. Quần thể tháp Bà Nha Trang đã tồn tại trên thế kỷ, gồm có 4 tháp công trình này đã từng bị tàn phá bởi chiến tranh và đã được xây dựng lại nhiều lần.

Tháp Bà
Đi lần vào trong tháp chính du khách sẽ được chiêm ngưỡng tòa tháp cao 22,48m đặt tượng nữ thần Ponagar bằng đá mà trước kia được là bằng vàng đã bị đánh cấp. Tượng cao 260cm có 10 tay ngồi trên một Yoni vuông vức cạnh 150cm. Tới đây, du khách thường cúng bái, xin quẻ cầu mang lại may mắn, cầu tài cho gia đình. Du khách sẽ có cơ hội tham gia những lễ hội đặc sắc diễn ra hằng như lễ hội thay áo và tắm bà.

Thác Yangbay

Đi khoảng 45km nữa, du khách sẽ đến được thác Yangbay nằm lọt sâu trong rừng nguyên sinh màu mỡ và những dãy núi, ở độ cao 100m so với mực nước biển. Khi đến đây rồi thì bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành mát dịu của vùng bán đảo sơn địa, khung cảnh núi rừng, thác hòa quyện nhau với nhau. Sau đó ghé sang thác nhân tạo Yangkhang(Yangbay1) du khách sẽ tha hồ đằm mình trong thác nước trong, mát lạnh.

Rời thác Yangbay đến đảo Khỉ như một Hoa Quả Sơn với vài ngàn con khỉ. Ở đây, không chỉ có khỉ mà còn có đáy biển rất đẹp. Lặn sâu dưới đáy là những thủy cung : những đám hải quỳ như thảm hoa xao động, từng đàn cá đầy màu sắc bơi lượn trong những đám san hô, những đám san hô nở toe như những hoa hồng đại dương. Nhưng du khách nào “ghiền” độ cao sẽ leo lên những vách núi cheo leo để thử sức hay thám hiểm hang động sâu dưới hang nước. Du khách có thể đứng trên mỏm đá cao nhất của Hòn Chồng để ngắm cảnh biển, nhìn bầu trời xanh. Nhìn xa xa là Hòn Yến, cảng Cầu Đá, những hàng phi lao.

Đến thăm ngôi chùa Long Sơn hay còn gọi là chùa Phật Trắng tọa lạc dưới chân núi Trại Thủy-Nha Trang. Chùa được xây dựng cách đây hơn một trăm năm và bây giờ là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Khánh Hòa  Tọa lạc trong một khuông viên rộng 44.5m, dài 72m. Bên cạnh chùa là Giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa  Chính điện rộng 1.670 m², có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 1,6 m, nặng 700 kg. Chùa có bức tượng Kim Thân Phật Tổ (còn gọi là tượng Phật Trắng)được xếp vào sách kỷ lục Guiness Việt Nam : “Ngôi chùa có bức tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam” tượng cao 21 m, đài sen làm đế cao 7 m. Xung quanh đài sen là chân dung bảy vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm.
Du khách không những được vui chơi, tham quan nhiều thắng cảnh đẹp mà đến đây còn được thưởng thức những món ăn đậm chất Nha Trang  Với món bánh canh không giống bất kỳ ở một địa phương nào hết, chất ngọt của cá ở nơi đây cộng với bột bánh canh tạo nên một hương vị khó quên cho những ai đến đây.
Suối Ba Li
Cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 30km về phía Nam, suối Ba Li nằm trên địa bàn 2 xã Cam Tân và Cam Hòa, huyện Cam Lâm (trước kia thuộc thị xã Cam Ranh).

Suối Ba Li bắt nguồn từ núi Chiến, là một trong hệ thống các suối Tranh, suối Thượng (núi Chà Pau), suối Rích, suối Cóc (núi Nhọn)… đổ nước về hồ chứa nước Cam Ranh. Người dân địa phương gọi tên hồ này theo tên con suối gần nó nhất là hồ Ba Li. Đây là một trong những hồ chứa nước lớn của miền Trung và Tây Nguyên. Trước khi có hồ chứa nước này, toàn bộ các suối trên đổ về sông rồi chảy vào đầm Thủy Triều, Cam Ranh.

Hồ Ba Li được xây dựng năm 1993 và hoàn tất năm 1997. Với diện tích lưu vực 59,4km2, đập cao 23,2m, hồ chứa 22,1 triệu m3 nước, cấp nước sinh hoạt cho 70.000 hộ dân và năng lực tưới tiêu theo thiết kế là 2.300 ha. Huyện Cam Lâm và thị xã Cam Ranh là vùng bán sơn địa, trên địa bàn hầu như ít có sông suối nào chảy qua nên toàn bộ điều kiện tưới tiêu phụ thuộc vào hồ chứa nước, nguồn nước từ các suối đổ về.

Suối Ba Li là điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cam Lâm. So với các suối khác, đây là nơi thuận tiện đi lại, vui chơi cắm trại và vẫn còn tương đối hoang sơ nên đảm bảo được yêu cầu sinh thái, nghỉ ngơi, dã ngoại…

Có nhiều đường đi đến suối Ba Li. Từ trung tâm TP.Nha Trang theo đường 23/10, đi thẳng Quốc lộ 1A, đến địa phận huyện Cam Lâm, qua đường nhíp khoảng 1 km, có tấm bảng lớn chỉ đường vào Làng xã hội Cam Tân. Rẽ theo đường này đi khoảng 3km là đến suối Ba Li. Đường vào suối được láng nhựa, qua làng mạc, ruộng đồng, cảnh thôn quê đẹp, thanh bình, yên ả. Gần đến khu vực suối sẽ thấy hồ Ba Li. Không khí bắt đầu mát mẻ có lẽ do mặt thoáng của hồ rộng chăng? Từ đập tràn, mặt nước xanh mênh mông, lấp lánh, nhìn ngút mắt. Con đường chạy dài dọc theo hồ đi lên suối. Bên kia hồ là cánh rừng dày đặc, xanh um. Càng đi lên, không khí càng dịu. Vào địa điểm gửi xe máy, khách bắt đầu thả bộ xuống đập tràn, từ đây có nhiều con đường mòn rẽ nhánh lên suối. Đi theo những con đường mòn này vào rừng, chưa đến một cây số là có nơi để cắm trại.
Cái khác biệt của suối Ba Li so với nhiều suối khác đã đưa vào khai thác du lịch là dòng suối này có nhiều đường nhánh rẽ, do đó muốn qua bờ bên kia để cắm trại, khách phải lội qua các dòng nước này. Điểm đặc biệt nữa mà ở những nơi khác không thấy là ở đây có nhiều bãi cát (dạng bãi bồi) cho khách cắm trại, gần sát với mặt nước, tạo cho khách cảm giác giống như cắm trại bên bờ sông mà lại nghe tiếng nước đổ từ trên cao xuống.

Chọn một bãi cát bên kia suối, khách bắt đầu xắn quần lội qua. Tuy khoảng cách chỉ có 2m nhưng rất khó qua vì đá có nhiều rêu, dễ trơn trợt. Tuy nhiên, nước bên dưới không sâu lắm, chỉ đến quá đầu gối một chút. Chịu ướt thì qua cái một, còn không thì nhón nhén trên đá cho đồng đội kéo qua.
Bên kia “bãi bồi”, dưới một tán cây to, bóng nắng hầu như chỉ xuyên qua lốm đốm. Nắng nhẹ và nhạt nên không sợ “cháy” da. Trải tấm bạt, đội hậu cần bắt đầu chuẩn bị. Gà làm sẵn, lấy gia vị ra ướp. Một nhóm khác đi kiếm củi khô. Trong chốc lát một con gà được nằm trên giàn nướng. Bếp ga mini nấu nồi lẩu gà lá… me hái trong rừng. Đồ ăn nguội mang theo… Thế là có bữa trưa đơn giản mà ngon!
Ăn xong, du khách có thể nằm lơ mơ trên đá một chút, hoặc thơ thẩn đâu đó xong tắm suối, chơi trò chơi, hay thám hiểm rừng… Rừng ở đây có một loài hoa màu trắng nhỏ xíu, mọc thành từng vạt, lấp lánh trong nắng, rất đẹp! Thậm chí bạn chỉ cần nằm trên một tảng đá và ngắm mây trời, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót bên tai… cũng đã là một sự thư giãn tuyệt vời!
Hãy thử vui chơi suối Ba Li vào một ngày cuối tuần để tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng cho con người!
Hồ Tiên
Hồ và suối cùng nhau tạo thành một thắng cảnh nổi tiếng thu hút khách đến tham quan. Biết bao giai thoại đã có ở vùng hồ suối này.
Nhà thơ Đinh Phong đã cảm tác cảnh vật với huyền thoại tại đây như sau:
“Suối Tiên nước chảy lững lờ,
Tiên đi đâu để bàn cờ rêu phong?

Mây trôi ngày tháng theo dòng,

Bền gan đá vẫn ngày mong đêm chờ.

Chờ mong sắp sửa cuộc cờ.
Thú vui chung cả đôi bờ Bắc Nam.
Động tiên chưa bén gót phàm.
Hồ tiên sóng vẫn gợn chàm long lanh.
Cây cao hoa lá sum cành,
Ráng mây nỡ để nặng tình nhớ thương.”

Sở dĩ gọi bằng hồ Tiên vì nhân gian có lời truyền rằng ngày xửa ngày xưa tại nơi đây có tiên xuống tắm mát. Thực tế hồ có cảnh quan vừa trữ tình, vừa tuyệt mỹ cũng đáng gọi là hồ Tiên rồi, chẳng cần rõ ngày xưa kia có tiên xuống tắm thật hay không.

Nước hồ trông thấy tận đáy, có cát trắng phau. Chỉ cần nhìn thấy đã thích, không cần đợi tới việc bơi lội, vùng vẫy trên mặt nước.

Ở vùng hồ suối này còn có những điểm đặc biệt khác:
- Trên một tảng đá rộng lớn và bằng phẳng nữa nằm dưới nước nữa ở trên bờ, có in chữ “điền” và chữ “khẩu” Hán tự, nét đã mờ rêu. Chung quanh có một ít đá vụn vỡ hình tròn do mưa gió mài mòn. Người ta bảo rằng đây là bàn cờ Tiên.
- Ở suối phía trên, nhiều hòn đá chồng chất lên nhau tạo thành hang động, nhiều chỗ có thể dùng làm chỗ ngồi nghĩ chân, thư giãn. Chung quanh có nhiều cây rậm mát và hoa rừng toả mùi hương thoang thoảng dễ chịu. Người ta cũng nói rằng đây là động Tiên.
Vì đã có động Tiên, bàn cờ Tiên, hồ Tiên cho nên gọi con suoi đẹp mỹ miều kia là suối Tiên cũng phải.Có một giai thoại lí thú:

“Người ta nói rằng thuở xưa các tiên ông, tiên bà, tiên cô xuống chơi ở vùng này. Tiên ông ngồi đánh cờ, tiên bà ngoạn cảnh. Ai mỏi mệt thì vào động nghĩ ngơi.
Một hôm có một tiên ông vì quá chén ngủ quên trong hang động, lúc tỉnh dậy một mình đi xuống suối. Bất ngờ lúc ấy có nhiều tiên nữ đang tắm phía dưới.
Tiên ông khoái mắt, cũng như người trần tục, phá lên cười một cách thoả thích. Các tiên nữ giật mình hổ thẹn, vụt bay vút lên trời, bỏ lại cả xiêm y trên bờ hồ. Những xiêm y này biến thành mây ngũ sắc bay vờn trên các cây cổ thụ...” 

Còn một truyện khác cũng thường được nhắc đến trong các tour dã ngoại tới đây:

“Trong thời kì các tiên còn đến chơi vùng suối hồ này, có ông khổng lồ đến ngoạn cảnh. Ông bước chân lên những tảng đá đầy rong rêu, vì lơ đễnh nên bị trượt chân. Ông giật mình, chân bấm vào đá, tay bấu vào vách đá cho khỏi té ngã. Ông khổng lồ chống quá mạnh đến nỗi bàn tay lún vào đá, một khoảnh vách bị bể vỡ văng ra tận mé cửa biển Cù Lao, hóa thành hòn chồng Đực, hòn chồng Cái. Vì đó mà có dấu tay trên hòn đá chồng cho đến ngày nay. Còn chân ông bấu cũng mạnh quá, đến nỗi lưu dấu mãi mãi ở suối Tiên.”
Cụm thắng cảnh du lịch Vân Phong - Đại Lãnh - Vũng Rô
Cách Nha Trang khoảng 80km về hướng bắc là cụm du lịch liên hoàn Vân Phong - Đại Lãnh - Vũng Rô, một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất khu vực châu Á, vượt hẳn biển Phuket ở Thái Lan và có thể sánh với những thắng cảnh tuyệt vời trên thế giới. Đó là niềm tự hào và vinh hạnh cho du lịch nước ta được tổ chức du lịch thế giới đánh giá cao như thế.

Hấp dẫn danh thắng Đại Lãnh

Phong cảnh Đại Lãnh được liệt vào hàng danh thắng của đất nước từ thời vua Minh Mạng được chạm vào một trong cửu đỉnh ở Huế. Biển Đại Lãnh là bãi biển đẹp vào bậc nhất ở nước ta, trong số 3.000km bờ biển Việt Nam chỉ có bãi tắm Đại Lãnh là sạch và xanh nhất nước, do nơi đây còn nguyên sơ không bị ô nhiễm của công nghiệp, vì xa nơi dân cư. Bãi tắm Đại Lãnh cát trắng mịn màng, nước biển trong xanh, độ thoai thoải ra xa, có nhiều nguồn suối từ núi đổ xuống quanh năm, mát lạnh nằm ẩn mình trong rừng thùy dương, tạo khung cảnh thơ mộng mê hồn.
Từ hừng đông sáng, không khí Đại Lãnh tĩnh mịch, yên ả chỉ nghe tiếng hàng dương tấu nhạc, vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào. Buổi trưa, biển đậm nét xanh rì, nắng chói chan, bầu trời như trải rộng. Buổi chiều, chuyển sang màu xanh nhạt, gió từ đại dương thổi vào mát dịu. Hoàng hôn buông xuống cảnh núi non, biển cả như hút hồn người khiến lữ khách phải xao xuyến. Đây là điểm tắm biển rất quyến rũ.
Vũng Rô kỳ tích
Toàn cảnh Vũng Rô có núi Đá Bia - Thạch Bi Sơn, là một nhánh của dãy Trường Sơn, núi Đá Bia nhô hẳn ra biển Đông, kéo dài tạo thành bán đảo che chắn gió cho Vũng Rô. Vì thế, cảng Vũng Rô có độ sâu 15 - 16m mà quanh năm sóng yên, biển lặng. Trước năm 1975, nơi đây từng là cảng tiếp tế hậu cần cho hàng loạt căn cứ quân sự kéo dài cả 20km. Chính Vũng Rô là bến cảng tiếp nhận vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường Quân khu 5. Nhiều tấn vũ khí, đạn dược, muối gạo, thuốc men đã bốc lên từ cảng Vũng Rô và vận chuyển đường này để đến tay các chiến sĩ giải phóng, cán bộ hoạt động bí mật trong các căn cứ cách mạng và đô thị miền Nam. Tại đây, còn xác con tàu không số từ miền Bắc chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực vào tiếp tế bị lộ, nên các chiến sĩ ta đặt chất nổ đánh đắm tàu không cho địch cướp vũ khí.Đứng trước lưng chừng Đèo Cả phía Nam, du khách dừng chân phóng tầm mắt ra xa, nhìn toàn cảnh Vũng Rô hùng vĩ, núi Đá Bia uy nghi, những đảo xa, đảo gần tập kết tạo nên bức tranh hoành tráng đẹp cực kỳ với trời cao, biển rộng bao la để tưởng nhớ Vũng Rô - Thạch Bi Sơn đã bao phen chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử đất nước tạo nên những kỳ tích còn lưu dấu để hậu thế soi chung.

Đến Nha Trang - Phú Yên mà không đến cụm du lịch Vân Phong - Đại Lãnh - Vũng Rô là điều vô cùng thiếu sót. Du khách đến tắm biển một lần là nhớ đời và không quên hẹn sẽ tái ngộ lần sau.
Bãi biển Bình Ba
Bãi biển Bình Ba (xã Cam Bình - thị xã Cam Ranh) tuy không dài, rộng nhưng có những bãi cát mịn màng, đủ để níu chân những du khách yêu thích vẻ hoang sơ của biển. Du khách có thể ngồi trên những mỏm đá, lắng nghe tiếng sóng vỗ và ngắm mặt trời lặn…
Rời bến đò Cảng Ba Ngòi - Cam Ranh, Bình Ba đón bạn trong không khí nhộn nhịp của một bến tàu gần khu dân cư. Tuy nhiên, phía sau khu dân cư tấp nập lại là một không gian tĩnh lặng đến bất ngờ của những bãi biển.

Nơi tôi đặt chân đến đầu tiên là bãi Nồm. Bãi Nồm tuy không dài, rộng như những bãi biển lớn nhưng sự mịn màng của bãi cát trắng thoai thoải đủ để níu bạn dừng chân. Gió mát rười rượi, không gian yên tĩnh. Nước biển trong vắt, ôm lấy những mỏm đá nhiều kiểu dáng.

Ngồi trên những mỏm đá ấy, nghe tiếng sóng rì rào vọng vào vách núi bên cạnh, bạn sẽ cảm nhận được bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của bãi Nồm. Dân địa phương cho biết, vào mùa hè, bãi Nồm trở thành bãi tắm của ngư dân trên đảo. Những đêm có trăng, phong cảnh đẹp hơn nhiều, du khách ở thị xã Cam Ranh qua đảo thường tụ tập ở đây ngắm biển đêm và sinh hoạt vui chơi đến tận sáng.
Rời bãi Nồm, men theo con đường mòn đầy cây và hoa dại, bạn sẽ đến bãi Chướng. Do cách xa nhà dân nên bãi Chướng còn rất hoang sơ. Bãi Chướng hấp dẫn du khách không phải bởi cát mịn như bãi Nồm, mà bởi những vỏ ốc ngũ sắc rất đẹp, bởi những khối đá nhấp nhô dưới ghềnh, tung bọt trắng xóa, những vách đá dựng đứng cùng một số hang động gợi trí tò mò.
Người thích mạo hiểm, có thể men theo sườn núi khám phá các di tích đã hoang phế như ụ đại pháo, lô cốt phòng thủ…, nguyên là khu vực đồn trú của quân Pháp trước đây, hay trèo lên những chóp đá cao ngắm sóng, thưởng thức vẻ đẹp của núi và biển lúc hoàng hôn, hoặc khám phá vẻ đẹp của san hô cùng nhiều loài sò, ốc, hến ngũ sắc sinh sống ở biển.
Bình Ba còn có nhiều bãi biển hoang sơ khác như: Bồ Đề, Nhà Hành, Cây Me, Hòn Cò…, nằm khuất giữa những eo núi và biển mà con người khó đặt chân tới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ân - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình, trong tương lai, sẽ có một đường giao thông chạy quanh đảo, nối các bãi biển với nhau thành một vòng du lịch khép kín. Đây cũng là ý tưởng mà các nhà làm du lịch hướng tới sau nhiều lần đến đây khảo sát địa hình.
Ở đảo Bình Ba, người dân sống rất hiền hòa, thân thiện. Gần 700 hộ dân đều theo nghề biển, nuôi tôm hùm. Bình Ba  vốn nổi tiếng với đặc sản duy nhất là cháo tôm hùm. Buổi trưa, du khách có thể len lỏi qua các con đường nhỏ hẹp, đến thưởng thức món bánh canh, bánh cuốn nhân hải sản trong khu dân cư, hoặc uống cà phê và hát karaoke khi đêm xuống.
Ở đảo, không có quán ăn hay dịch vụ phòng nghỉ nên du khách cần nhớ mang theo hành trang khi dã ngoại. Bạn có thể thoải mái nhóm một đống lửa rồi nghỉ qua đêm ngoài trời tại bãi Nồm. Bạn cũng có thể dễ dàng nghỉ nhờ qua đêm ở nhà dân, bởi người Bình Ba rất hiếu khách. Đây cũng là cơ hội để bạn khám phá phong tục, tập quán của cư dân ở vùng đất giàu tiềm năng du lịch này