Hỗ Trợ Trực Tuyến
Donghanhviettravels giamdocdonghanhviettravel dieuhanhdonghanhviet
kinhdoanhdonghanhviet infodonghanhviettravel huynhtamdonghanhviet

Translate

Hiển thị các bài đăng có nhãn thapbanhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thapbanhatrang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

THÁP PONAGAR

Và điểm tham quan buổi chiều của chúng ta đó là Tháp Bà Ponagar. Tháp Po Yan Ino Nagar Kauthara – Tháp Nữ thần xứ sở Kauthara (bà mẹ của thị tộc Kau) hay tháp bà, tháp chàm Nha Trang, tọa lạc trên một độ cao 10 – 12m so với mặt nước biển, trên một khoảng đất bằng phẳng rộng rãi của đình Cù Lao, một núi đá hoa cương nhỏ từ phía Bắc dòng sông Cái, ngay đầu cầu Xóm Bóng, bên phải quốc lộ 1 Bắc – Nam. Cửa biển này xưa kia gọi là cửa biển Cù Huân của sông Cù, bên trái có một xóm dân chài gọi là Xóm Bóng, bởi ngày xưa nơi đây là nơi đào tạo các trinh nữ múa bóng vào những ngày lễ tế trên tháp bà, nay thuộc địa phận phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.
Đứng trên quần thể của kiến trúc này phóng tầm mặt bao quanh bốn bề, du khách không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ và tấm tắc khen ngợi sự lựa chọn vị trí xây dựng tháp của cổ nhân ngày trước. Giữa một vùng rừng rú âm u, lau sậy um tùm, hoang thú xuất hiện nhởn nhơ đây đó, các tác giả của công trình đã lựa chọn một vị  trí “độc nhất vô nhị” để xây dựng.
Cho đến nay dù đã trải qua trên ngàn năm quần thể Tháp bà vẫn phù hợp và hài hòa với những yêu cầu của kiến trúc nghệ thuật hiện đại, sự cân đối của nó với  môi trường xung quanh, một sự ăn ý tuyệt vời của công trình với núi non, sông biển và với các công trình kiến trúc mới được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, vị trí các “bà” quan trọng hơn hẳn vị  trí các ông. Ngoài Bắc có Mẫu Liễu Hạnh, bà Chúa Thượng Ngàn, bà Thủy, bà Chúa Kho, các Phật Bà Tứ Pháp ... Miền Trung có bà Thiên Y A Na mà điện thờ chính là tháp bà Ponagar của người Chăm. Bà có nhiều dị bản : Thượng thư Phan Thanh Giản (1796 – 1867) đã ghi lại một bản khắc trên tấm bia dựng 1858 phía sau tháp: Từ ngàn xưa, một ngày xa xôi lắm, vì lịch sử không có ghi chép rõ là ngày nào, tại làng Đại An, thuộc tỉnh Phú Khánh ngày nay, Thiên Y Thánh Mẫu giáng trần tại núi Chúa. Núi nằm kế cận núi Cù Huynh, phía Đông giáp biển cả. Vùng này hoa nở bốn mùa, trái ngọt quanh năm, đúng là một cảnh thiên tiên nơi hạ giới.
Giữa cảnh thanh bình an lạc ấy, có cặp vợ chồng không con, sống hiu quạnh trong một mái tranh tại ven rừng. Vợ chồng ông lão chuyên trồng dưa (5) để sống độ nhật. Một việc hai ông bà rất để ý, khi dưa chín, thường hay bị mất trộm, vợ chồng ông lão quyết tâm rình bắt cho bằng được đứa trộm dưa. Một đêm, dưới ánh trăng thanh sau nhiều ngày rình rập, vợ chồng ông lão bắt quả tang một cô bé đã hái cầm trên tay một quả dưa. Bị cật vấn, cô bé cho biết mình sống côi cút lạc loài tại vùng này. Thấy diện mạo dễ thương, thay vì phải trừng phạt, vợ chồng ông lão đem về nuôi dưỡng, nâng niu như con ruội. Cô bé ấy chính là "Thiện Y tiên nữ hóa thân."
Một ngày, làng Đại An bị nước lụt. Cảnh vật quanh vùng bao phủ mầu nước trắng xóa. Thiện Y buồn bã ngồi nhìn cảnh rừng núi ảm đạm, ngậm ngùi nhớ cảnh cũ người xưa trên tiên giới. Để khuây khỏa sự nhớ nhung, Thiên Y đã hái hoa quả và lượm đá làm một cảnh giả sơn (non bộ) để ngắm. Bực mình vì nạn hồng thủy, ông lão sinh ra cau có, lại thấy Thiện Y cứ suốt ngày đùa nghịch hồn nhiên, nên quở mắng nặng lời. Hối hận vì đã làm buồn lòng dưỡng phụ và một phút thiếu suy nghĩ, Thiện Y biến mình vào một khúc trầm đang bị nước cuốn để trôi giạt đến một nơi vô định. Sau nhiều ngày lênh đênh trên mặt biển, khúc trầm trôi táp vào bờ Bắc Hải thuộc địa phận Trung Quốc. Dân chúng tại bờ biển thấy khúc gỗ trầm, mới xúm nhau lại khiêng về dùng, nhưng có đông đảo mấy không tài nào xê dịch nổi khúc gỗ đừng nói đến chuyện khiêng đi. Cho là một chuyện kỳ lạ, dân chúng trong làng xôn xao bàn tán và tin này thấp đến tận Kinh Đô. Thời kỳ ấy, Hoàng đế Trung Quốc chỉ sinh có một Đông Cung Thái Tử diện mạo khôi ngô, tuổi đã hai mươi vẫn chưa chọn được người bạn trăm năm vừa ý. Chàng chu du khắp nước, nhưng không có một thiếu nữ nào có diễm phúc được chàng để mắt đến. Tin về khúc gỗ lạ lùng đến tai thái tử, cho là một sự lạ, chàng xin phép mẹ cha đến tận nơi quan sát và khi đến nơi, chàng đã chứng kiến trước mắt cảnh người đông nghẹt quanh khúc gỗ nhưng dù cố gắng đến bao nhiêu cũng không thể lay chuyển nổi.
Tức giận, Thái Tử ra lệnh cho mọi người đứng ra xa để chàng xem khúc gỗ thế nào mà có sức nặng dị thường như thế.
Kỳ diệu và lạ lùng thay, khi chàng luồn hai tay qua khúc trầm để nhấc lên, thì chàng lại đưa được bổng lên cao một cách rất nhẹ nhàng. Thái Tử cho rằng khúc trầm có nhiều phép lạ nên chàng ra lệnh chở về Kinh rồi chọn một nơi thanh khiết trong Hoàng Cung để cất giữ tử tế. Có một đêm, trằn trọc mãi không ngủ được, Thái Tử định đến thư phòng để xem sách. Bước nhẹ qua vườn Thượng Uyển, chàng rất kinh ngạc thấy một bóng giai nhân cực kỳ diễm lệ đang rảo bước giữa muôn hoa dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ. Nghe tiếng động, bóng ấy vội vàng chạy thoát về phía Hoàng Cung rồi biến mất. Việc xảy ra quá đột ngột và mau lẹ, Thái Tử rất đỗi ngạc nhiên vì nơi đây không có cung tần sao có bóng giai nhân thấp thoáng?
Sau nhiều đêm cố tâm rình rập, một đêm nọ Thái Tử chụp được giai nhân trước khi nàng sắp thu hình biến vào khúc trầm.
Thiện Y kể lại tiểu sử của mình cho Thái Tử nghe và yêu cầu được sự che chở của chàng. Khi gặp Thiện Y cho là duyên tiền định, chàng say nhan sắc yêu kiều của Thiện Y nên đánh bạo xin yết kiến vua cha tâu lại sự tình, xin vua cha chấp thuận cuộc hôn nhân với Thiện Y Tiên Nữ. Vì thương con, nhà vua cho một thầy tướng số giỏi nhất Trung Quốc để xem thuận lợi hay bất thuận về cuộc hôn nhân của con mình và Thiện Y. Sau khi đoán số, thầy tướng tiết lộ cho vua biết Thiện Y vốn là tiên nữ giáng trần và Thái Tử được kết hôn với nàng là một điềm lành cho Trung Quốc.
Thế là hôn lễ được cử hành theo nghi lễ của hoàng gia. Toàn thể dân chúng Trung Quốc hân hoan ăn mừng khi tiếp nhận được tin lành này. Sau mấy năm phối hợp với Thái Tử, Thiên Y sinh hạ được một con trai tên là Tri và một gái tên là Quý.
Đang sống trong cuộc đời nhung lụa trong cung vàng điện ngọc, nhưng một ngày, Thiên Y chạnh lòng nhớ đến cố hương, làng Đại An nơi dưỡng phụ và dưỡng mẫu đang sống khô héo trong những ngày tàn. Vì quá nhớ thương, Thiên Y quyết trở về quê cũ nên cùng hai con biến mình vào khúc trầm vượt ra biển và nương theo đường cũ trở về làng Đại Ai.
Về đến nơi thì than ôi! cha mẹ già đã khuất bóng. Lòng hiếu thảo dâng trào, Thiên Y sửa sang lại mái tranh đã sụp đổ và dựng một ngôi chùa, để ngày ngày hương khói dưỡng phụ và dưỡng mẫu.
Từ khi trở lại làng cũ Đại An, Thiên Y giúp ích rất nhiều dân chúng trong vùng được mọi người quý mến. Thiên Y tự tay tạc lấy tượng của mình rồi đem đặt lên chót núi và trong một buổi sang tinh sương, Thiên Y lặng lẽ rời bỏ dân chúng thân yêu làng Đại An cùng hai con trở về Tiên Giới. Từ ngày vợ cùng hai con bỗng nhiên bỏ đi bặt vô âm tín. Thái Tử vô cùng buồn bã. Ít lâu sau, vua cha băng hà, Thái tử phải lên ngôi trị vì Trung Quốc. Sắp đặt xong việc triều chính. Tân Quân mới nghĩ đến việc đi tìm vợ con. Nhớ lại những giờ phút hạnh phúc sống bên nhau, Thiên Y thường nhắc nhở đến quê hương của nàng, làng Đại An thuộc nước thiên Thành, nơi phong cảnh xinh tươi, hoa trái bốn mùa nở rộ, ông ra lệnh chuẩn bị một đội chiến thuyền hùng hậu hộ tống, vượt trùng dương, nhắm hướng Chiêm Thành. Khi chiến thuyền của Trung Quốc đến hải phận Chiêm Thành nhà vua sai sứ giả vào gặp vua Chiêm Thành bày ý định đi tìm vợ con của mình hiện cư ngụ tại làng Đại An. Nhưng vô ích vì Thiên Y và hai con không còn ở tại làng Đại An nữa. Vua Trung Quốc bị thất vọng và tình nghi dân chúng Chiêm Thành cố tình dấu Thiên Y nên mới gửi một tối hậu thư đại ý nói trong ba ngày dân chúng Chiêm Thành phải đem nộp Thiên Y và hai con của nàng. Quá hạn, ông sẽ ra lệnh cho quân Trung Quốc đổ bộ tàn sát khắp vùng Đại An. Phẫn uất vì thái độ đe dọa của Trung Quốc, toàn thể dân Chiêm ráo riết chuẩn bị một cuộc chống xâm lăng, quyết liều chết, không cho quân Tàu đổ bộ. Ngày thứ ba đã đến. Bầu trời ảm đạm thê lương bao phủ quang cảnh vùng Đại An như báo hiệu một cuộc tàn sát rùng rợn sắp khai diễn. Ngự trên thuyền rồng, vua Trung Quốc vì nóng lòng muống gặp mặt vợ con và căm giận quan quân Chiêm ngạo mạn, ông ra lệnh cho toàn quân đổ bộ. Thế là, giữa tiếng trống giục quân và tiếng hò hét vang dậy náo động một vùng biển cả, đoàn chiến thuyền Trung Quốc tua tủa khí giới, hùng hổ lướt vào bờ. Vừa lúc quân đội hai bên sắp lâm chiến thình lình Thiên Y cùng hai con hiện xuống, đứng trên đỉnh núi Chúa, cố gắng ngăn cản cuộc binh đao. Nhưng một khi ba quân đã say máu chiến đấu thì những lời kêu gọi hòa bình của Thiên Y dù có tha thiết đến mấy, cũng chẳng ai quan tâm đến. Để tránh một cuộc chiến tranh tàn khốc. Bằng phép màu, Thiên Y làm sóng gió nổi ba đào, cố tình gây trở ngại cho đoàn chiến thuyền Trung Quốc không đổ bộ được. Không ngờ sức mạnh của sóng to gió lớn làm chiến thuyền va chạm phải nhau nên đã có một số lớn vỡ tan, chìm sâu dưới đáy biển. Buồn vì nỗi vợ con thất lạc chưa tìm ra được, lại dồn dập thâm cảnh thiên tai gây thất bại, vua Trung Quốc gieo mình xuống giòng nước, mang theo mối hận tình không bao giờ tan xuống tuyền đài.
Bàng hoàng vì đã trót lỡ tay gây thảm họa cho chồng, Thiên Y chỉ còn đứng trơ như hòn đá, nghẹn ngào nhìn theo đoàn chiến thuyền xô xát còn xót lại đang hoảng hốt tìm đường tẩu thoát. Trước cái chết của vua cha, đứa con trai duy nhất của Thiên Y buồn rầu lặng lẽ ra đi đến một vùng rừng núi âm u rồi sau quy tịch tại đó. Phần Thiên Y và người con gái lưu lại Đại An và mỗi buổi chiều tà, dân chúng làng Đại An thường thấy bóng nàng và con đứng trên chót núi cao, ngó ra biển để mong tìm lại hình bóng người xưa. Nhưng mặt bề phẳng lặng chỉ còn lưu lại những cột buồm và mảnh thuyền bị đắm. Một thời gian sau, Thiên Y và con gái đều quy thiên tại nơi ấy. Hiện nay, du khách có dịp đi ngang qua cầu Xóm Bóng để viếng Tháp Bà, sẽ thấy giữa giòng sông lô nhô nhiều khối đá tưởng tượng như những đỉnh cột buồm và mũi thuyền. Trên những khối đá, có khắc nhiều chữ Chàm, và gần đấy, có một ngôi Chùa nhỏ, hương khói quanh năm. Đó là Hòn Chữ, nơi vị Thiên Tử Trung Quốc và ba quân bị trận cuồng phong của Thiên Y, đã vùi mình dưới bể sâu. Những cột buồm và mũi thuyền còn nhô trên mặt biển lâu ngày biến thành đá lưu lại di tích đến ngày nay.
Từ ngày Thiên Y và con quy thiên thì ngoài Hòn Yến thường xảy ra nhiều phép lạ. Dân chúng trong vùng thành tâm cầu khẩn đều được ứng nghiệm. Để tỏ lòng sùng bái Thiên Y đã có công cứu nước (nhưng có biết đâu Nàng ôm hận suốt đời vì đã vô tình giết hại chồng nàng), Chiêm Vương cho xây cất đền thờ và cử người phụng sự khói hương. Tương truyền rằng ngày xưa, vào dịp ngày vía của Thiên Y mỗi năm, cây cối trong vườn quanh Tháp Bà đều sinh trái ngọt. Dân chúng khắp nơi đổ về hành hương rất đông đảo. Cả đến cầm thú trong vùng cũng qui tụ xung quanh Tháp dường như triều bái vị linh thần. Việt sử chép: Khi vua Gia Long (1802-1820) bắt đều lên ngôi đã phong tặng Thiên Y tước hiệu: "Hồng Nhơn Phổ Tế Linh. Ưng Thương Đẳng Thần" (nghĩa là một vị thần cao cả, xá tội, ban ơn huyền bí linh diệu và được mọi người tôn trọng). Nhà vua cho mộ 3 người trong dân vùng Cù Lao để làm thủ từ, ngày đến quét tước khói hương trong đền. Làng Cù Lao nay vẫn còn, dân cư trú mật, càng ngày càng phát đạt ở cửa biển sông Cái trước mặt điện Poh Nagar. Huyền thoại trên chỉ là việc sưu tập những kỷ niệm tưởng tượng về thần thoại đạo Bà La Môn, chung quanh nữ thần UMA, thêm vào đó, việc xâm nhập của chiến thuyền Mã Lai năm 774. Đến khi người Việt Nam đến, thiện nam tín nữ mộ đạo, với óc tưởng tượng của người phương Bắc, tạo những mẩu chuyện tiên cách thấm nhuần của đạo Lào.Tháp Bà được xây trên một ngọn đồi phía tây bắc thành phố Nha Trang  cách thị xã 2 kilomét sát quốc lộ 1 ngày xưa là đền thờ của người Chàm, nơi thành kính tôn nghiêm mà dân Chàm trong vùng Phú Khánh phải quy tụ về đông đủ trong những ngày lễ ngày nay là nơi sùng bái, luôn luôn phảng phất một vẻ huyền bí linh thiêng, thiện nam tín nữ (không phân biệt người Việt hay người Chàm) các nơi trong ngày rằm và mùng một, tuôn đến hành hương, mang theo lễ vật đèn nhang để cúng vái Thiên Y Thánh Mẫu cũng gọi là "Đức bà Thiên Y A Na."
Kiến Trúc của Tháp Ponagar:
Tháp Bà gồm 4 Tháp khác nhau và xây dựng tại Thế kỷ VII đến Thế kỷ XII.
Cũng như tất cả các Tháp Chàm khác còn tồn tại trên đất nước ta, Tháp Bà
Nha Trang được xây cất theo lối kiến trúc cổ xưa của nền văn minh Chàm. Bốn tháp đều được xây bằng gạch nung, không có vôi ở giữa, người Chàm chỉ phết một lớp "dầu rái" tức là "dầu lồng" (Diptérocarpus Chrispulaus L.) do một loại cây thân to và rất cao, hiện nay, những loại cây này vẫn còn trước mặt Phối Dầu, cách thị xã Nha Trang 20 kilomét. Khi xếp gạch nền, dầu rái được phết lên, (có khi họ dùng cả mật đường thay dầu rái), người Chàm chất củi thật nhiều trong và ngoài tháp và đốt lửa cho đến khi gạch dính liền với nhau mới thôi, thế mà qua hơn nghìn năm, cái Tháp ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Tháp chính tức là Đền Poh Nagar tiếng Chàm "Poh Nagar có nghĩa là Bà Chúa một xứ" xứ này là xứ Kaulhara, xưa kia của người Chàm, nằm về phương Bắc, cao 23 mét và lớn nhất được xây cất vào thế kỷ IX (năm 817 sau công nguyên), do ông Pangha một vị thượng thư của vua Harivarman I: Nơi đây ngày xưa là chánh điện của Thánh Trị Malada, Jenagrâti Pangro lại cho dựng một bức tượng Bhagavati, nữ thần của xứ Kauthara (Phú Khánh) toàn bằng đá.
Trên cửa vào Tháp, có bức tường chạm thần Civa (1) rất tinh vi, thần có bốn tay chân, chân phải đạp lên đầu con thú Nandin vừa nhảy múa ginta hai nhạc công đang thổi sáo "sanarai."
Trong tháp là một phòng lớn hình chuông úp, thành tường cao chót vót đến tận nóc, chỉ có một lối cửa vào duy nhất. Ở ba phía, du khách chú ý đến 3 vòm tiếp nhận phẩm vật của người hành hương. Chính giữa điện thời, không khí lờ mờ đục vì thiếu ánh sáng hoặc do những làn khói luôn luôn tỏa từ các đỉnh trầm, du khách sẽ thấy bàn thờ bằng đá cẩm thạch, trên đó có tượng nữ thần Kauthara. Qua dáng vẻ của Poh Nagar Thánh Mẫu, chúng ta có thể hình dung được thần Bhagavati (Thần ban phước), một trong những biến dạng của thần Umâ tức là Cakti của thần Civa hoặc nói cách khác "biến thể nữ dạng" của thần Civa.
Giữa khói hương nghi ngút, với vẻ mỹ lệ của đồ nữ trang lộng lẫy, tượng đá. Thiên Y Thánh Mẫu Kauthara, đội mũ hình hoa sen đang xòe nở, óng ánh những hạt trân châu, xung quanh có gắn lông công rực rỡ như xà cừ. Nhìn tổng quát, du khách phải nhận rằng tất cả những vẻ đẹp ấy là cuộc thi thố tài năng và lòng tin tưởng mãnh liệt của dân tộc Chàm.
Thánh mẫu ngồi xếp bằng tròn, có tất cả 10 cánh tay (2). Hai cánh tay trên duỗi thẳng, bàn tay đặt trên đầu gối. Lòng bàn tay ngửa lên trời như đang ban bố một vật gì, dáng điệu từ bi và thanh thản.
Tám tay phụ cầm những vật tượng trưng như: đoản đao, dĩa có cán, mũi tên, ngà voi, cái dùi trống, vỏ mũi giáo và cái ná.
Thánh nữ mặc "xà rông," đội mũ "mukata," tựa lưng trên một cái dựa khắc hồi văn tua tủa, giống miệng con quái vật.
Sử chép rằng năm 917, Thiên Hoàng Indravaraman III sai đúc một "kim tượng" (3) (mukhalinga) cho Bhagavati.
Năm 965, Java Indravarman I cho dựng một tượng Umâ, nữ dạng của thần Civa mà ngày nay du khách còn thấy để thay cho Kim tượng.
Tháp Trung Ương cũng gọi là Điện chánh được xây hồi thế kỷ XII, nơi Tháp đã bị hủy hoại do sự xâm lăng của người Mã Lai năm 774 và đã được trùng tu năm 784 do vua Satya Varman.
Tháp phía Nam xây dưới thời Vua Hari Varman I (thế kỷ IX) cũng như Tháp Tẩy Bảo và Tháp phía Tây (nay chỉ còn vết tích).
Ngày nay, phía sau tháp, du khách thấy nhiều đống gạch còn lại của những tháp cũ đã điêu tàn và một tấm bia lớn bằng chữ Hán do (4) Thượng thư bộ lệ triều vua Tự Đức phụng soạn, ngày 20 tháng 5, Tự Đức năm thứ 9 (1856) bia dô ông Nguyễn Quýnh, Thông chánh phi sứ điều lãnh Khánh hòa bố chánh dựng.
           Tháp Ponagar được xây dựng từ cuối thế kỷ 8 dưới vương  triều Panduranga và được tu bổ vào thế kỷ 12, gồm 6 tháp (2 tháp thờ ông và bà Thiên Y A Na; 2 tháp thờ ông Tiều cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na, 2 tháp thờ 2 người con của Thiên Y A Na) nhưng hiện nay còn 4 tháp, lớn nhất là tháp bà Ponagar cao 22,48m, nền cao 1m, có khám thờ cao 10,8m bên trong có bàn thờ có một Yoni và tượng nữ thần. Tượng bà Ponagar đầu tiên làm bằng vàng nhưng bị người Campuchia lấy mất, sau đó tạc tượng bằng đá, nhưng đến năm 1954 đầu tượng bị mất cắp phải tái tạo bằng đất nung. Tới đây chúng ta có 2 lối vào thăm tháp, lối đi thẳng con đường du khách thường đi nhưng đó không phải là con đường chính thức mà các giáo sĩ Bà La Môn ngày xưa vẫn đi. Ngày xưa người ta vào bằng lối qua “Nhà Dài” đi lên những bậc cấp rất dốc để vào tháp. Bậc cấp rất dốc vì có dụng ý. Tháp là nơi thần linh ngự trị. Đi bậc cấp dốc nguy hiểm như vậy con người khi đi lên phải cúi mặt nhìn vào chân, khi đi xuống không thể xoay bàn tọa vào các thần, lên hay xuống gì cũng khỏi phạm tội bất kính. Hơn nữa, dân tộc Chăm dưới ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đặt nặng sự phân biệt giai cấp. Những khu vực đền tháp không mở rộng cửa như chùa, miếu người Việt mà có thể chỉ dành cho các tăng lữ, quý tộc.
+ Nhà Dài (hay Mandapa) là một kiến trúc gồm nhiều cột gạch hình tám cạnh rất lớn, đường kính 1m, cao 3m, đứng chơi vơi... tất cả có 10 cột lớn và 14 cột nhỏ, chữ Mandapa do các nhà khảo cổ đọc trên các tấm bia Chăm được giải thích là một ngôi nhà nơi các tín đồ chuẩn bị lễ vật trước khi vào tháp hành lễ, trên đầu các cột gạch có những lỗ mộng và cũng được giải thích là dấu vết của một mái ngói nay đã sụp đổ. Ông Quách Tấn (trong xứ trầm hương) thì nói là thời Chiêm Thành, người kê ván vào những lỗ mộng này làm một sân khấu lộ thiên để vũ nữ ca múa “Thần trong tháp trông ra, nhân dân đứng dưới trông lên, đôi bên trông đều rõ”
+ Tháp chính : tháp lớn nhất đẹp và điển hình nhất của quần thể kiến trúc này, cao 23m, niên đại khoảng thế kỷ 11, kiến trúc kiểu tháp Chăm cổ điển, cửa quay về hướng Đông, với các tầng mái giống nhau, thu nhỏ dần như một búp thông khổng lồ. Qua bao nhiêu thế kỷ bị thời gian bào mòn, tinh mắt vẫn còn nhận ra trên mái có vài hình thiên thần Apsara, hình ngỗng, hình voi... Trên trán cửa có bức phù điêu tạc một nữ thần có bốn tay, chỉ mặc một chiếc váy nhỏ, ngực rất lớn, một chân đạp lên bò thần, thân hình uốn éo theo điệu vũ Tandava. Điệu vũ này lấy nhịp từ sự vận hành của vũ trụ, 2 bên 2 nhạc công, người thổi sáo, người thổi kèn Saranai cũng lắc lư không kém. Bức phù điêu này mô tả sống động điệu múa Chiêm Thành hằng bao năm trước vẫn diễn ra ở khu tháp này. Khi người Việt đến tiếp thu luôn điệu múa hấp dẫn này gọi là múa bóng – múa vào ngày vía bà. Ngày nay không còn bóng chỉ còn lại cây cầu Xóm Bóng làm dấu vết dưới chân Tháp Bà. Trong tháp thờ tượng Bà được tạo bằng đá đen bóng khoảng năm 965,1 tuyệt phẩm của nghệ thuật Chiêm Thành... Tượng Nữ thần có 12 tay, 2 tay để trên đùi bình thường còn các tay kia nhỏ hơn cầm những linh vật như kiếm, cung tên... riêng cái đầu bị mất. Bệ tượng là cái Yoni có đường rãnh để thoát nước khi làm lễ tắm tượng, 2 pho tượng đặt 2 bên vách là tượng cô Trí, cậu Quý 2 người con của bà (những tượng này mới làm thêm sau này).
+ Tháp giữa : có niên đại sớm hơn khoảng thế kỷ X và cũng bị hư hại nhiều hơn, bên trong tháp thờ Linga được tạo hình khá thành công mọc lên từ giữa Yoni, phần đế là  một vòng những “bầu vú”, mô típ trang trí rất thông dụng của điêu khắc Chiêm Thành, rồi Linga tròn trĩnh ló ra từ 1 vòng những “cánh hoa sen”, hình rất đời thường, cũng rất thanh cao.
+ Tháp Nam : nhỏ và hư hại nặng, mái nằm ngang kiểu hình yên ngựa, trong tháp thờ bộ Linga và Yoni.
+ Tháp Tây Bắc : nằm khuất phía sau, nhỏ bé nhưng đáng chú ý là khá nguyên vẹn và 2 tầng. Tầngtrên đỉnh không phải hình tháp mà dạng một ngôi nhà mái dài, phảng phất giống ngôi nhà sàn Tây Nguyên hay ngôi nhà sàn chạm trên trống đồng Đông Sơn. Kiểu mái dài, cong gọi là mái hình thuyền, rất quen thuộc với các dân tộc hải đảo Đông Nam Á. Ở tầng dưới có hình chạm trên gạch, còn thấy rõ hình chạm sư tử ở mặt Bắc còn ở mặt Tây là tấm phù điêu người đàn bà ngồi trên mình voi. Vào đầu thế kỷ XX, khi tu bổ người Pháp đã đào được ở đây một kho những đồ thờ cúng bằng vàng, bạc.
+ Biểu tượng Linga – Vị thần tối cao
Linga là cái mà trong nền văn hóa Khổng Mạnh người ta gọi một cách kín đáo “sinh thực khí”. Trong 3 vị thần tối cao quyền năng vô biên Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn) và Siva (thần hủy diệt) thì Siva là vị thần được tôn kính nhất trong tín ngưỡng Chăm Siva là thần của hủy diệt, của cái chết để rồi mở đường cho sáng tạo cho sự sống. Siva xuất hiện ở cõi trần dưới dạng cái Linga đầy sức sống, Linga là cái nguyên dương có nguồn gốc rất cổ xưa từ thời nông nghiệp sơ khai, thời của tín ngưỡng phồn thực thời con người vô cùng sung sướng thấy mọi sinh sôi nảy nở. Ở tháp bà cũng như ở tháp Chăm khác, Linga mọc lên từ 1 cái Yoni hình vuông có một đường rãnh thoát nước, tượng trưng cho cái nguyên âm.
Người ta kể rằng : Bộ Linga – Yoni này xưa kia rất linh thiêng. Nếu đôi vợ chồng nào muốn có con hay muốn sinh con theo ý mình thì đến đây cầu tự. Họ mang theo hương hoa và các đồ tế lễ đến bày biện trên bệ thờ của tháp trung tâm, lấy nước chuyên dùng trong giếng được đào ngay trong khuôn viên quần thể tháp, rửa sạch bộ Linga – Yoni. Sau đó lấy chứng 1 lít nước đổ đều lên bộ Linga – Yoni, nước chảy vào các kho rãnh, vào các ngóc ngách của 2 vật âm – dương này rồi chảy ra một rãnh dẫn, người ta lấy toàn bộ nước đó. Sau khi cúng và cầu nguyện thật thành tâm xin ân huệ của Siva, đôi vợ chồng sẻ chia nhau uống hết lượng nước này, ra về họ sẽ được toại nguyện.
+ Brahmar là đấng sáng tạo, tạo dựng vũ trụ ở trên hết muôn loài “là đại tổ cha chung của muôn vật” (kinh Yatur – Veda) về hình tượng Brahmar có bốn đầu nhìn về bốn phương biểu hiện ý nghĩa quán triệt khắp vũ trụ, có bốn tay thường cầm 4 pho kinh Veda, hoặc có khi nắm kinh Veda trong tay thứ nhất, tay thứ hai cây trượng, tay thứ ba cầm cây cung và bình nước tay còn lại. Brahmar thường cỡi con thiên nga (Hamsa), tượng trưng cho trí thức. Da đỏ hồng tượng trưng cho nguyên lý sáng tạo trong thiên nhiên.
+ Siva được mệnh danh là thần hủy diệt, hiện thân như một người có nước da trắng tượng trưng cho sự thuần túy của tất cả các màu sắc, ba mặt tượng trưng cho mặt trời mặt trăng và ngọn lửa thế gian : “nhìn thấu quá khứ, hiện tại và tương lai”. “Sông Hoàng Hà trên đầu” có tất cả các phương tiện để giải thoát thế gian, miếng da hổ tượng trưng cho sự chết ngự hoàn toàn thiên hiên. Bốn cánh tay tượng trưng cho 4 phương biểu hiện quyền năng thống trị : một tay cầm chĩa ba – sự sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt, một tay cầm rìu – sức mạnh tuyệt đối, một tay ra hiệu xua đuổi sự sợ hãi và tay còn lại ban phước lành, bởi vì Siva còn đồng nghĩa với sự tốt lành không thể hiểu đơn giản là vị thần chỉ có nhiệm vụ hủy diệt. Môn phái thờ thần Siva thường tôn thờ Siva lưỡng tính – Hình tượng Linga (dương vật) đặt trên Yoni (âm vật) đó chính là hình ảnh của đấng sáng tạo, Ngài tự phân làm hai nửa, một  âm và một dương, âm dương giao hòa tạo thành vũ trụ. Siva là vị thần cổ nhất và có uy tín nhất trong Ấn Độ giáo. Người Chăm ở Việt Nam theo trường phái thờ thần Siva.
+ Vishnu vị thần đứng giữa thần sáng tạo Brahmar và vị thần hủy diệt Siva – Thần bảo hộ Vishnu luôn sẵn sàng giáng trần để che chở và cứu giúp chúng sinh với sứ mạng cao cả, Vishnu được tôn thờ với tất cả tấm lòng yêu mến, thần được mệnh danh là “Thánh của các Thánh”, “đạo”, “chân lý”. Hình ảnh hóa thân của Vishnu rất nhiều và hoàn toàn biệt dị, hình ảnh thông thường nhất là Vishnu nằm nghỉ mình trên mình xà thần Shesha (di tích), bồng bềnh trên Anata (vô biên) hoặc Vishnu đứng thẳng, bốn tay nắm bốn vật tượng trưng : vỏ ốc – tượng trưng cho ngũ hành, đĩa sáng như mặt trời – tượng  trưng cho thần trí, cây cung – vũ trụ vận hành và cây chùy – trí thức nguyên thủy.
Quần thể tháp Bà Ponagar Nha Trang là thánh đường quốc gia của vương quốc Chămpa, được tu bổ và xây dựng rải rác qua nhiều thời kỳ, suốt từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII. Hiện nay các tháp được trùng tu, tôn tạo lớn, tái hiện lại khu tháp bằng những vật liệu chuyên dùng, nhưng phần nào đó mất đi vẻ thẩm mỹ mang tính lịch sử của một công trình kiến trúc cổ xưa. Khu tháp Bà là khu di tích lịch sử đầu tiên ở Khánh Hòa được Nhà nước xếp hạng cấp bằng “di tích lịch sử quốc gia” và được bảo vệ bằng pháp luật hiện hành.